Vì sao Trung Quốc phản đối Nhật?

Ngày 22-7, tức một ngày sau khi Nhật công bố Sách trắng quốc phòng năm 2015, Bộ Ngoại giao Nhật công bố một bản đồ và 14 bức không ảnh chụp các giàn khoan Trung Quốc (TQ) cạnh đường trung tuyến trên biển Hoa Đông.

Tại cuộc họp báo chiều 22-7, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga giải thích: “Trong những năm gần đây, TQ đã tích cực khai thác tài nguyên trên biển Hoa Đông. Hoạt động của TQ trên biển Hoa Đông không báo hiệu sẽ ngừng lại”.

Ông khẳng định Nhật và TQ vẫn đang phân định biên giới trên biển Hoa Đông và Nhật vẫn giữ quan điểm phân giới theo đường trung tuyến.

Ông yêu cầu TQ chấm dứt hành động đơn phương khai thác dầu khí và nối lại đàm phán về thực hiện thỏa thuận ký kết ngày 18-6-2008.

Vị trí các cấu trúc giàn khoan Trung Quốc trên đường trung tuyến Nhật-Trung trên biển Hoa Đông. Ảnh: TODAY

Thỏa thuận này nói gì?

Cách đây 12 năm, vào tháng 8-2003, Tổng Công ty Dầu khí hải dương TQ ngang nhiên ký hợp đồng với Tập đoàn Unocal (Mỹ) và Tập đoàn Royal DutchShell (Anh-Hà Lan) khai thác mỏ khí Shirakaba (TQ gọi là mỏ Xuân Hiếu) gần đường trung tuyến Nhật-Trung trên biển Hoa Đông.

Trữ lượng mỏ ước tính 63,8 triệu thùng trên tổng trữ lượng 3,26 tỉ thùng trong toàn bộ biển Hoa Đông.

Sau đó, hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2004 và chỉ đạt được kết quả sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Nhật hội đàm với Thủ tướng Yasuo Fukuda vào tháng 5-2008. Hai bên nhất trí biến biển Hoa Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị.

Ngày 18-6-2008, hai nước ký thỏa thuận về hợp tác phát triển một phần mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông. Theo thỏa thuận, Nhật có quyền đầu tư và chia nguồn lợi khai thác.

Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) cho biết lúc bấy giờ hai bên đều khẳng định thỏa thuận vừa ký kết có lợi cho cả hai bên. Ngay sau đó, Thủ tướng Yasuo Fukuda tuyên bố sẽ sang TQ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic, điều mà trước đó ông luôn thoái thác.

Tuy nhiên, dư luận dân tộc chủ nghĩa tại TQ chỉ trích chính phủ đi ngược lợi ích dân tộc, hạ nhục quốc thể, làm phương hại chủ quyền quốc gia.

TQ lập luận TQ có chủ quyền toàn bộ biển Hoa Đông vì biển Hoa Đông là phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa TQ.

Trong khi đó, Nhật căn cứ đường trung tuyến phân chia biển Hoa Đông giữa hai vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước LHQ về Luật Biển. Như vậy, mỏ dầu khí nằm vắt yên ngựa trên đường trung tuyến và đúng ra phải được khai thác chung.

Từ tháng 6-2013, Nhật đã yêu cầu TQ dừng xây dựng các giàn khoan trên biển Hoa Đông nhưng TQ bất chấp và cũng không công bố diễn biến thực địa thế nào.

Theo báo Japan News (Nhật), Nhật đã cảnh báo TQ có thể triển khai radar trên các giàn khoan và sử dụng nơi đó làm bãi đáp trực thăng và máy bay không người lái để tuần tra thám sát.

Ngày 23-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng tuyên bố Nhật công bố ảnh các giàn khoan TQ trên biển Hoa Đông là hành động không thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby phát biểu: “Chúng tôi mong muốn các yêu sách hiện tại phải được giải quyết hòa bình và ngoại giao”.

__________________________________

14 cấu trúc giàn khoan dầu khí của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Trong đó tính từ tháng 6-2013 đến nay có 12 cấu trúc. Trong 12 cấu trúc có năm cấu trúc mới xây dựng năm ngoái.

Chánh văn phòng nội các Nhật YOSHIHIDE SUGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm