230.000 người Việt bị đột quỵ mỗi năm

Đó là những con số đáng lo ngại do BS CK1 Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, đưa ra tại buổi đào tạo phục hồi chức năng cho các bác sĩ, kỹ thuật viên tổ chức mới đây tại BV Thống Nhất.

Báo cáo nêu ở Việt Nam, tỉ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi. Hằng năm có khoảng 230.000 ca mới và ước tính  ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm (tức hơn 1.070 tỉ đồng) cho việc này.

Bệnh nhân đột quỵ cần tập phục hồi nhiều chức năng, chẳng hạn chức năng nuốt. Ảnh: BS

Hiện nay, nhờ hệ thống các trung tâm và đơn vị đột quỵ được thành lập với các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu giúp nhiều bệnh nhân được cứu sống (từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ tử vong giảm 17%).

Mặc dù vậy, số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tì đè…

Trong số đó, chỉ 25%-30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20%-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15%-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Đột quỵ gây ra nhiều khiếm khuyết và biến chứng ảnh hưởng đến quá trình tập luyện và phục hồi của bệnh nhân. Do đó, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ phải toàn diện, phối hợp nhiều lĩnh vực: y học, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, tâm lý, xã hội học…

 

Phục hồi chức năng sau khi bị đột quỵ

Từ ngày 26 đến 30-3-2018, tại BV Thống Nhất, TP.HCM đã diễn ra khóa đào tạo phục hồi chức năng năm ngày cho các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các bệnh viện.

Khóa đào tạo thuộc chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Áo để tăng cuờng chuẩn hóa và hệ thống hóa việc phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Việt Nam.

Dự kiến lớp chỉ 60 học viên nhưng đã thu hút đến hơn 130 học viên của 26 cơ sở y tế tham gia gồm BV Thống Nhất, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi, Y học cổ truyền TP.HCM, Châu Đốc - An Giang, Giá Rai - Bạc Liêu, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp...

Được biết ngoài lớp tập huấn cho bác sĩ, kỹ thuật viên, chương trình còn mở lớp đào tạo cho người chăm sóc bệnh nhân tự tập tại nhà và phòng đột quỵ tái phát. Các khóa đào tạo đều miễn phí.  

230.000 người Việt bị đột quỵ mỗi năm ảnh 2
BS Phạm Thị Mai Huệ, BV Thống Nhất, đang giả làm bệnh nhân và học cách mặc quần áo để về hướng dẫn cho bệnh nhân. Ảnh: HL 

GS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Người sau khi trải qua đột quỵ hầu hết đều tàn phế, do đó phục hồi chức năng đúng cách sớm và hiệu quả rất quan trọng. Tuy nhiên, tại các bệnh viện, cơ sở y tế không có nhóm phục hồi chức năng đa ngành trong các đơn vị đột quỵ và trong các khoa phục hồi chức năng.

Bệnh nhân đột quỵ khi ra viện thiếu hoặc không biết các thông tin về việc tiếp tục tập luyện ở đâu, như thế nào? Gia đình tự phục hồi là chính khiến làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân. Sau khi học xong khóa đào tạo, các điều dưỡng, hộ lý sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giúp người bệnh sớm phục hồi các chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm