Bệnh vì kẹt xe trên đường… vắng

Đời bao giờ cũng lắm chuyện bên trọng bên khinh. Có bệnh tuy “ngoại hình” có vẻ trầm kha nhưng lại không có gì đáng ngại. Ngược lại, có bệnh tuy về lâu về dài rất dễ nhiêu khê nhưng vì ít có dấu hiệu nghiêm trọng nên nạn nhân dễ xem như… chuyện nhỏ. Phức tạp hơn nhiều là khi bệnh vừa nặng vừa thêm hậu quả phiền toái. Ai chưa tin cứ xem gương mặt của người hay táo bón thì hiểu ngay. Tình trạng này càng rõ nét ở một số đối tượng:

 Người cao tuổi vì cơ thể đằng nào cũng thiếu nước nên chuyến đò ì ạch chẳng khác nào ngập nước tới cổ còn chờ… quy hoạch.

 Bệnh nhân tiểu đường vì nhu động ruột vận hành theo kiểu chạy theo thành tích nửa vời nên co xong không duỗi do rối loạn chất điện giải bao giờ cũng chực chờ ăn theo trong căn bệnh này.

 Nạn nhân của lạm dụng thuốc kháng sinh khiến lực lượng vi sinh hữu ích tan nát đội hình.

Trục trặc không chỉ trong khung ruột

Táo bón không chỉ gây phiền toái trong khoảnh khắc chỉ còn mình với ta. Táo bón thông qua tình trạng tích lũy độc chất trong lòng ruột, vừa bào mòn sức đề kháng vừa là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng trên đường tiêu hóa như trĩ, viêm đại trường mạn... Chuyện không chỉ có thế, chuyên gia về bệnh biến dưỡng đã phát hiện người táo bón rất dễ:

• Tăng mỡ máu cho dù không ăn béo vì rối loạn biến dưỡng trong gan.

• Trầm uất cho dù tình, tiền, sự nghiệp đều đang hanh thông vì nội tiết tố giúp lạc quan bị phong bế.

• Viêm da thần kinh do tác hại của độc tố trong khung ruột trên cấu trúc nền của da.

Táo bón tất nhiên cần được điều trị không chỉ vì chất lượng cuộc sống của nạn nhân. Nhu cầu cấp bách này còn khẩn thiết hơn nữa ở đối tượng có sức kháng bệnh đã sát đường ranh kiệt lực như bệnh nhân tiểu đường, hậu ung thư…

Thầy thuốc đã ghi nhận từ lâu là đối tượng thường ngồi yên một chỗ dễ bị táo bón.

Thuốc nào cũng phải đúng liều lượng

Bên cạnh chuyện chữa cháy cầm canh bằng thuốc tẩy xổ, thầy thuốc thường khuyên người bệnh chú trọng vào chế độ ăn uống có nhiều chất xơ. Lời khuyên tuy không sai nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Quá nhiều chất xơ trong khẩu phần chẳng những không cải thiện tình trạng táo bón mà còn sinh thêm tình trạng no hơi sau bữa ăn rồi dẫn đến biếng ăn, nghĩa là phản tác dụng.

Đủ “đô” vẫn còn thiếu

Có điểm khác biệt nếu so sánh chức năng đại tiện với giao thông. Với ruột già, đèn xanh không có tính tự động theo thời khắc. Ngược lại, phải đợi đủ xe đèn mới bật. Do đó, muốn êm xuôi phải liệu cách tăng khối lượng phế phẩm trong lòng ruột. Nếu ăn thêm chất xơ vẫn không xong, chỉ còn cách uống nước. Nhưng ngay cả lời khuyên uống nhiều nước cũng không giúp ích được bao nhiêu, theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi ở Hoa Kỳ - nơi thuốc tẩy xổ bán rất chạy. Thay vì tìm cách tăng lượng nước uống nên thử kết hợp món nước sữa chua có men vi sinh như Bifidum hay Lactobacillus. Thêm vào đó, thói quen uống nước khoáng để lạnh trước khi điểm tâm khoảng nửa giờ là biện pháp tuy đơn giản nhưng an toàn và hữu hiệu nhờ bên cạnh hiệu năng hạ mỡ máu, chất sinh sạn khớp acid uric, trung hòa chất chua còn thừa trong dạ dày… có tác dụng nhuận trường hòa hoãn.

Bệnh vì miệng hùm gan sứa

Mối liên hệ giữa táo bón và ung thư ruột đã từ lâu rõ hơn ban ngày, đặc biệt ở đàn ông. Tuy vậy, vận động được các ông tầm soát ung thư ruột thường khi khó hơn chống… tham nhũng! Ung thư ruột với khả năng hiện nay của ngành y không còn là bệnh nan y nếu nhóm đối tượng dưới đây chịu theo dõi sức khỏe định kỳ:

• Đã từng bị khối u lành tính hay polyp trên đường tiêu hóa.

• Đã từng bị ung thư ở nội tạng nào khác.

• Đã bị viêm loét dạ dày hay viêm đại trường mạn.

• Hay bị rối loạn tiêu hóa dưới dạng buồn nôn, nấc cụt, đầy hơi.

Đừng vội mừng nếu chưa lọt vào danh sách kể trên. Người trên 45 tuổi, béo phì, thiếu vận động do nghề nghiệp, ít chơi thể thao, ăn nhiều thịt mỡ, quá ít chất xơ, hút thuốc, uống rượu... đều là miếng mồi ngon của ung thư ruột.

Đừng quên nguyên nhân từ xa

Kẹt chính ở chỗ nguyên nhân gây táo bón thường khi không nằm trong lòng ruột. Thống kê ở Nhật - nơi cuộc sống không bao giờ thiếu stress cho thấy 60% người trẻ khó đăm đăm không hề có bệnh trên đường tiêu hóa nhưng họ thừa chất khác, đó là stress. Khi đó khung ruột của bệnh nhân tiểu đường như người làm biếng, không làm không phải vì công việc ngập đầu mà vì hết hứng. Có cho bao nhiêu thuốc nhuận trường mà quên tái lập cân bằng trong cuộc sống thì cũng bằng không. Nói cách khác, dấu hiệu táo bón là một trong các tiêu chí để đánh giá cường độ của stress.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.