Bệnh nhân bị cắt cả 2 quả thận

Hiện vợ ông đang nguy kịch, không ăn uống được, người sưng phù.Bệnh nhân Tú đã khám bệnh, siêu âm tại nhiều nơi và đều có kết quả “thận trái ứ nước độ III và có nhiều cặn”.

Ngày 5-12 bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai chuyển đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Sau khi siêu âm và chụp CT scaner cắt lớp, ngày 6-12 bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Ông Trí nói: “Trước mổ bệnh viện kêu tôi đến tư vấn và ký cam kết mổ. Họ nói mổ nội soi thận ứ nước, trong trường hợp nếu thận còn dày thì giữ lại, nếu mỏng thì cắt bỏ một thận trái (trong tình huống xấu), còn lại một thận phải vẫn sống bình thường.

Nghe bác sĩ tư vấn, tôi yên tâm và ký cam kết đồng ý để các bác sĩ mổ. Sau khi thực hiện ca mổ xong, bác sĩ còn nói thận bên phải còn nguyên, ca mổ thành công. Tuy nhiên, tôi đợi đến chiều hôm sau vẫn chưa được gặp vợ. Tới 13g ngày 7-12, vợ tôi đang ở phòng chăm sóc đặc biệt nhờ người nhắn cho tôi, vào đến phòng tôi thấy vợ nằm bất động trong khi mình mẩy sưng phù. Sau đó bác sĩ cho siêu âm lại, tôi tình cờ nghe kỹ thuật viên siêu âm thắc mắc sao không thấy quả thận nào của bệnh nhân. Tôi mới hốt hoảng chạy đi hỏi. Bác sĩ nói phải đưa vợ tôi đi chạy thận gấp để cứu tính mạng, còn việc gì đó tính sau”.

Trao đổi về trường hợp ca mổ cắt thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, bác sĩ Trần Văn Nguyên (trưởng kíp mổ) giải thích: “Ban đầu các kết quả siêu âm và CT scaner không thể hiện rõ tình trạng thận của bệnh nhân, chỉ xác định thận trái bị ứ nước độ III và có cặn, nên chúng tôi chỉ tư vấn cho người nhà là sẽ mổ nội soi cắt thận trái. Trong quá trình mổ nội soi bệnh nhân bị chảy máu nhiều, nên chúng tôi quyết định mổ hở ra để cầm máu. Nhưng do bệnh nhân bị thận móng ngựa (các dây thần kinh chằng chịt dính với nhau) nên rất khó cầm máu. Tình hình nguy cấp, để cứu bệnh nhân chúng tôi phải cắt luôn quả thận dính còn lại”.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết bệnh viện sẽ họp hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cắt mất hai quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú. Sau khi có kết luận chính thức, nếu sai sót từ khâu nào sẽ kiểm điểm xử lý trách nhiệm cụ thể.

Phải chạy thận nhân tạo suốt đời

TS.BS Thái Minh Sâm, phó khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết “thận móng ngựa” là một dị dạng bẩm sinh hiếm gặp. Khi đó, hai quả thận bị dính lại với nhau ở phần dưới, thường chụp CT sẽ thấy được. Do hai quả thận bị dính với nhau ở phần dưới sẽ làm hai niệu quản bị vắt ngang ở chỗ dính, khiến sự lưu thông của nước tiểu không tốt, chưa kể sẽ làm một niệu quản (thường ở bên trái) gây ứ nước.

Theo BS Sâm, với những trường hợp nhẹ, “thận móng ngựa” không gây ra triệu chứng, không cần phải phẫu thuật. Phần lớn các trường hợp bị “thận móng ngựa” sẽ được các bác sĩ bảo tồn quả thận cho bệnh nhân bằng cách sửa những dị tật, mổ cắt đôi eo giữa hai quả thận để tách rời chúng, giải phóng những vùng bị ứ tắc, sau đó các bác sĩ sẽ đẩy hai quả thận về vị trí gần như bình thường.

Chỉ khi bệnh nhân có thận bị ứ nước lâu quá, chức năng thận bị mất hoàn toàn, các bác sĩ mới đành phải cắt bỏ quả thận đó cho bệnh nhân.Trong trường hợp bệnh nhân bị cắt mất hai quả thận thì vẫn có thể sống được nhưng phải chạy thận nhân tạo suốt đời hoặc chờ ghép thận.THÙY DƯƠNG

Theo THÁI LŨY (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm