NGÀY ĐIỀU DƯỠNG QUỐC TẾ 12-5

Những từ mẫu lặng thầm ở các bệnh viện

Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) là BV tuyến cuối của cả nước, nơi tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi ngày. Vì vậy, mỗi điều dưỡng viên (ĐDV) phải “gánh trên vai” hàng chục bệnh nhân. Ngoài làm công tác chuyên môn, ĐDV còn là những chuyên gia tâm lý, giải quyết hàng tá việc không tên.

Chỗ dựa tinh thần cho thân nhân người bệnh

Một ngày tháng 5, phòng Hồi sức tích cực, khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy tiếp nhận một cô gái 24 tuổi. Cô gái rơi vào tình trạng cần hồi sức tim, phổi rất nặng. Bên ngoài, người cha đứng ngồi không yên, thầm cầu nguyện con tai qua nạn khỏi.

Trong những giờ phút sinh tử căng thẳng của con, người cha luôn được một chị điều dưỡng trấn an: “Bên trong phòng mổ, chúng tôi có bốn bác sĩ và năm điều dưỡng đang tích cực cấp cứu cho con anh”. Chị điều dưỡng cũng có con trai trạc tuổi cô gái nên cũng thắt lòng không kém.

Không may, cô gái không qua khỏi khiến người cha đổ sụp khi chị điều dưỡng rưng rưng báo: “Xin lỗi, gần 10 người chúng tôi đã cố hết sức để cứu cháu nhưng đã không giữ được cháu ở lại”. Chị điều dưỡng vội giúp ông làm các thủ tục xuất viện và đặt xe của BV chở cô gái về chùa theo nguyện vọng người cha. Trước khi ra về, người cha rưng rưng cảm ơn chị và các bác sĩ dù đứa con đã bỏ ông để về trời...

ĐDV trong câu chuyện trên là chị Bùi Ngọc Tuyền, hiện là điều dưỡng trưởng khoa Bệnh nhiệt đới.

Chị Nguyễn Thị Kim Bằng (giữa) cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại khoa U gan BV Chợ Rẫy.  Ảnh: HL

Từ điển sống giúp bác sĩ quản lý bệnh

Kể về nghề, chị Bùi Ngọc Tuyền nói nghề điều dưỡng là công việc thiện nguyện, áp lực, nếu mong muốn kiếm tiền thì chọn nghề này không phù hợp. Giờ người ta ngon giấc thì ĐDV phải căng mắt để theo dõi người bệnh, chuẩn bị cho các ca mổ khẩn cấp. Tự bao giờ chị đã coi BV là ngôi nhà thứ hai của mình.

20 năm làm việc, chưa bao giờ chị đón giao thừa ở nhà và về nhà trước mùng 1 Tết. Có điều, mùng 1 ở BV, thay bằng bộ y phục trắng, chị sẽ mặc bộ áo dài thật đẹp đi chúc Tết và lì xì bệnh nhân. Món quà chị thấy ý nghĩa nhất là giúp bệnh nhân giải quyết thủ tục ra viện để về quê ăn Tết sum họp cùng gia đình, kể cả mùng 1 Tết.

Chị thừa nhận bệnh nhân và công việc quá tải, người điều dưỡng sẽ có những lúc mệt, nóng tính, vì thế chị luôn căn dặn đàn em: “Nên lắng lại, thử chịu khó đặt mình vào hoàn cảnh người nhà và bệnh nhân trước các nỗi đau sinh tử của người bệnh sẽ hiểu hơn để có ứng xử, chăm sóc phù hợp”.

Trong quá trình làm việc, chị Tuyền đã có nhiều đề xuất cải tiến quy trình, hạn chế các thủ tục để giúp bệnh nhân nhanh chóng được chẩn đoán bệnh và ra về an tâm. Trong các cuộc họp hằng tuần với thân nhân bệnh nhân, chị đều giải thích cặn kẽ những lợi ích của bảo hiểm y tế; từ đó lần nào cũng có 5-10 người mới chịu đưa thẻ bảo hiểm y tế ra bởi họ sợ bị phân biệt đối xử. Hằng ngày, dù 7 giờ mới vào ca nhưng chị luôn có mặt sớm hơn để đi thăm buồng bệnh, nắm tình hình bệnh nhân... Vì thế, chị như cuốn từ điển sống giúp các bác sĩ quản lý bệnh nhân hiệu quả hơn.

Chăm sóc con của người bệnh

Nói đến lý do chọn ngành điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Kim Bằng, điều dưỡng trưởng khoa U gan BV Chợ Rẫy, cho đó là duyên nợ. Cách đây nhiều năm, nhìn mẹ vất vả chăm sóc cha bị ung thư dạ dày nhưng chị không giúp gì được nên chị luôn khao khát được làm công việc gì đó để chăm sóc người bệnh. Rồi chị chọn thi vào ngành điều dưỡng với suy nghĩ đơn giản là giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ yên như mẹ từng chăm sóc cha.

Ngày đầu tiên đi làm, chị được phân vào khoa Hồi sức cấp cứu, chăm sóc toàn bệnh nhân hôn mê và rất nặng khiến chị ít nhiều ngỡ ngàng. Chị nói: “Họ không tiếp xúc được. Nếu mình làm không tốt, bệnh nhân cũng không đánh giá được nhưng vẫn cố gắng lấy cái tâm của chính mình đánh giá mình”.

Năm 2008, ghi nhận sự nỗ lực của chị, lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã bổ nhiệm chị làm điều dưỡng trưởng khoa U gan, một khoa mới hoàn toàn của BV. Công việc tiếp xúc với bệnh nhân tỉnh táo và căn bệnh u gan hoàn toàn khác biệt với công việc cũ.

Chị Bằng kể không hiếm bệnh nhân nghèo khi nghe chẩn đoán u gan, biết không có tiền chữa nên toan bỏ cuộc. Không đành lòng, chị cùng mọi người trong khoa gửi thông tin bệnh nhân đến phòng Công tác xã hội của BV để nhờ hỗ trợ. Khi bệnh nhân vào phòng mổ, chị cũng nhờ các đồng nghiệp xin các vật tư y tế có thể miễn phí cho bệnh nhân để tiết kiệm chi phí. Bệnh u gan điều trị lâu dài nên ở khoa, lâu dần người bệnh và ĐDV coi nhau như người nhà.

Không chỉ lo chuyên môn, ĐDV còn là người thấu hiểu và giúp bệnh nhân giải tỏa những vướng mắc trong lòng. Không ít bệnh nhân lung lạc ý chí nên xin về nhà do “có việc”, thực chất là về để chữa thuốc Nam. Chị Bằng phải động viên, khuyên nhủ bệnh nhân và gia đình mới yên tâm ở lại BV chữa trị…

Vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, những ĐDV vẫn ngày ngày bám trụ, cùng bác sĩ chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân để giành giật lại sự sống và sức khỏe cho họ. Nếu ví lương y-bác sĩ như từ mẫu thì những ĐDV chính là những từ mẫu lặng thầm ở các bệnh viện.

Sự ra đời của ngày Điều dưỡng Quốc tế

Hôm nay, 12-5, là sinh nhật của bà Florence Nightingale, người đã đóng góp rất nhiều cho ngành điều dưỡng. Bà là người đầu tiên đặt nền tảng vệ sinh trong các cơ sở y tế, giúp giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Cuốn sách Những ghi chép về điều dưỡng của bà được phát hành vào năm 1860 trở thành tài liệu căn bản cho các trường điều dưỡng trên toàn thế giới.

Ghi nhận công lao này, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế đã chọn sinh nhật bà làm ngày Điều dưỡng Quốc tế nhằm tôn vinh những điều dưỡng tận tụy, người không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm