Đây chính là mấu chốt để giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Chúng tôi xin điểm qua việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB và ba công ty có trụ sở tại Hải Dương là TNHH đầu tư Phúc Vinh, Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát và Cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên cùng một công ty nước ngoài.
Tiền đã gửi vào VietinBank
ACB là một trong những ngân hàng bị thiệt hại lớn nhất trong vụ án này. Từ ngày 8-10-2010 đến ngày 27-9-2011, Như đã huy động vốn từ các nhân viên của ACB với tổng số tiền hơn 1.100 tỉ đồng, chiếm đoạt số tiền gần 719 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định lần đầu Như huy động gần 669 tỉ đồng đứng tên 17 nhân viên của ACB gửi vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM với lãi suất thỏa thuận hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8% đến 4,5%/năm.
Cách thức Huyền Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng ACB. đồ họa: Ngô Bình - Trần Hoan
Như yêu cầu các nhân viên ACB mở tài khoản thanh toán tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Từ đề xuất của Như, lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP.HCM đã ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB, lãi suất 14%/năm. Ngay sau khi ký hợp đồng, Như đã trả cho những người gửi tiền số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng 10 tỉ đồng bằng tiền mặt rồi yêu cầu các nhân viên này ký giấy nộp luôn số tiền này vào tài khoản tiền gửi của họ mở tại VietinBank đến khi hết hạn tất toán hợp đồng thì nhận lại.
Sau khi VietinBank ký hợp đồng nhận gửi tiền của 17 nhân viên ACB và 17 nhân viên ACB đã nộp 669 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank, Như đã giao hợp đồng cho họ nhưng không giao thẻ tiết kiệm. Sau đó Như dùng 83 thẻ tiết kiệm và tài khoản tiết kiệm tiền gửi (trị giá hơn 533 tỉ đồng) làm tài sản bảo đảm cho các hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ với vai trò người bảo lãnh, người đứng tên vay và nhờ người thân đứng tên vay 514 tỉ đồng tại hai phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. 16 thẻ tiết kiệm còn lại Như làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân này mở tại Vietinbank sang trả một phần nợ cho khoản vay 514 tỉ đồng vừa đề cập.
Vì sao Như có thể thực hiện trót lọt phi vụ lừa đảo này dễ dàng đến vậy? Bản kết luận điều tra xác định như sau: “Trong việc Như tự trích các thẻ tín dụng từ các hợp đồng tiền gửi của nhân viên ACB đem thế chấp tại hai phòng giao dịch VietinBank để vay tiền rồi chiếm đoạt là do lãnh đạo, cán bộ tín dụng, nhân viên Ngân hàng VietinBank làm không đúng quy định trong việc cho vay”. Điển hình như ngày 17-9-2011, Như đề nghị trưởng Phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ Trần Thanh Thanh (cũng là bị cáo trong vụ án này) giải quyết cho Phạm Công Hoàng (nhân viên ACB đứng tên gửi tiền) vay 25 tỉ đồng, tài sản thế chấp là năm thẻ tiết kiệm trị giá 26 tỉ đồng mang tên ông Hoàng gửi tại VietinBank. Khi làm thủ tục ông Hoàng không có mặt, Như đề nghị giải quyết cho vay rồi bổ sung giấy tờ sau. Thanh đã chỉ đạo cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Như, xong đưa lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký của ông Hoàng sau…
Tên thật, tiền gửi vào cũng thật nhưng…
Lần thứ hai ACB gửi tiền, Như lấy danh nghĩa huy động tiền cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của phó giám đốc chi nhánh này (bị cáo Võ Anh Tuấn) để lấy của ACB 50 tỉ đồng đứng tên hai nhân viên ACB. Trước khi làm hợp đồng giả, Như cũng yêu cầu hai cá nhân này mở tài khoản tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Tuy nhiên, khi hai nhân viên ACB đưa hồ sơ để mở tài khoản, Như đã không dùng hồ sơ có chữ ký thật mà làm lại hai bộ hồ sơ giả chữ ký của hai nhân viên này giao cho bộ phận làm thủ tục mở tài khoản.
Ngày 27-6-2011, ACB chuyển 50 tỉ đồng vào hai tài khoản (đứng tên hai nhân viên ACB nhưng do Như ký chữ ký giả khi làm thủ tục) đã mở tại VietinBank. Ngay trong ngày 27-6 và hôm sau, Như đã lập giả các lệnh chi, ký giả các chữ ký của hai nhân viên ACB để chuyển toàn bộ số tiền này đến các tài khoản mà Như cần trả nợ.
Trong vụ này, Như có giao cho hai nhân viên ACB một bản hợp đồng tiền gửi làm tin. Đến ngày đáo hạn tiền gửi, hai nhân viên này đến VietinBank Chi nhánh Nhà Bè yêu cầu tất toán hợp đồng thì được thông báo ngân hàng không có ký hợp đồng tiền gửi với họ, chữ ký của họ không giống với chữ ký đăng ký khi mở tài khoản.
Thật mà giả, giả mà thật
Trong phi vụ lừa đảo ba công ty ở Hải Dương, Huyền Như lại dùng chiêu hơi khác.
Tháng 5-2011, Huyền Như cùng Võ Anh Tuấn (phó giám đốc VietinBank- Chi nhánh Nhà Bè, bị đề nghị tù chung thân về tội lừa đảo giống Như) bay ra Hà Nội gặp gỡ các đại diện ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên. Như tự giới thiệu tên là Quyên, nhân viên của Tuấn, đang có nhu cầu huy động vốn cho VietinBank Nhà Bè. Đôi bên thỏa thuận số tiền gửi sẽ có lãi suất từ 18% đến 22%/năm.
Sau khi thuyết phục được họ, Như yêu cầu ba công ty này cung cấp hồ sơ để làm thủ tục mở tài khoản VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Khi đã có ba bộ hồ sơ trong tay, Như lấy mẫu dấu của ba công ty thuê khắc ba con dấu giả. Sau đó Như làm hồ sơ giả để mở tài khoản, ký giả chữ ký của hai giám đốc công ty Thịnh Phát và Phúc Vinh tại hồ sơ mở tài khoản với mục đích để khi Như ký giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền của các công ty này không bị VietinBank phát hiện. Riêng Công ty Hưng Yên, Như không thay hồ sơ mở tài khoản do chữ ký của giám đốc này dễ ký giả.
Để ba công ty này tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề nghị chính các công ty này soạn thảo hợp đồng tiền gửi và gửi email vào cho Như xem để chỉnh sửa. Sau đó Như giả chữ ký lãnh đạo và đóng giả con dấu VietinBank Nhà Bè fax ra cho ba công ty trên ký và chuyển tiền theo hợp đồng.
Ngay khi tiền được chuyển vào tài khoản của ba công ty tại VietinBank, Như làm giả lệnh chi của họ chuyển tiền đến các tài khoản mà Như cần trả nợ. Từ tháng 5 đến 9-2011, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi với ba công ty như trên rồi dùng lệnh chi giả rút toàn bộ số tiền gần 1.600 tỉ đồng. theo cơ quan điều tra, VietinBank Nhà Bè không ký các hợp đồng tiền gửi với ba công ty này mà toàn bộ do Như làm giả.
Cái gì cũng giả, chỉ có khách hàng mất tiền là thật
Cũng trong thời gian giữa năm 2011, Như cũng giả danh huy động vốn và ký năm hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Trong năm hợp đồng trên, Như đã giả bốn chữ ký của giám đốc, một của phó giám đốc VietinBank Nhà Bè và đóng dấu giả của ngân hàng vào. Từ đó, Như yêu cầu công ty này chuyển tiền vào tài khoản của họ đã mở tại VietinBank.
Khi 125 tỉ đồng của họ đã vào tài khoản, lập tức Như chuyển số tiền này đến các tài khoản khác để trả nợ. Còn tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, Như khai chi 6,7 tỉ đồng giao cho hai cá nhân nhưng hai cá nhân này phủ nhận.
Tương tự, từ tháng 5 đến tháng 8-2011, Như cũng làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) với VietinBank Nhà Bè. Khi công ty này chuyển tiền vào tài khoản mở tại VietinBank, Như làm giả lệnh chi chuyển hết 210 tỉ đồng để trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như vay trước đó.
Kết luận giám định khẳng định con dấu và chữ ký của VietinBank trong hợp đồng là giả, mẫu dấu của Công ty SBBS và chữ ký của tổng giám đốc công ty này trên lệnh chi cũng giả. Trong phi vụ này, Như đã chi 30 tỉ đồng cho người môi giới và kế toán trưởng công ty này nhưng họ cho rằng họ nhận ít hơn con số đó.
HOÀNG YẾN
Ngày 17-1, tại phiên xử vụ án Huyền Như lừa đảo, đại diện ACB đã trình ra chứng cứ thể hiện là ngày 8-1-2014, trong khi phiên tòa đang diễn ra, ông Phạm Công Hoàng (nhân viên ACB mà chúng tôi đã nêu trong bài) vẫn được VietinBank thông báo số dư trong tài khoản của ông tại VietinBank. Theo đó, VietinBank báo tài khoản ông Hoàng hiện còn lại 950,17 triệu đồng. Đây là số tiền còn lại trong tổng số 26 tỉ đồng trong tài khoản của ông Hoàng mà Huyền Như đã mang thế chấp để chiếm đoạt 25 tỉ đồng. Theo ACB, giấy xác nhận số dư này là bằng chứng (bên cạnh các sao kê chi tiết tài khoản mà ACB đã cung cấp) cho thấy tiền gửi của họ đã được chuyển vào VietinBank chứ không phải tiền gửi của khách hàng không vào hệ thống VietinBank như ý kiến của đại diện VietinBank. Và như thế, tiền đã thuộc VietinBank rồi mới bị Huyền Như chiếm đoạt. |