Khi nào được xem là làm lộ bí mật nhà nước?

Nhiều người thắc mắc: Bí mật nhà nước với bí mật công tác khác nhau như thế nào trong luật hình? Vì sao lại quy định hai tội danh khác nhau?

Tội cố ý làm lộ bí mật công tác và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước đều xâm phạm đến bí mật quốc gia, xâm phạm đến một loại khách thể đó là “bí mật”. Chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước là bất kỳ, còn chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, không phải người có chức vụ, quyền hạn nào mà cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật công tác, mà phải căn cứ vào bí mật đó thuộc lĩnh vực nào.

Nếu một người có chức vụ, quyền hạn cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài để chống phá Nhà nước thì đây là hành vi phạm tội gián điệp; nếu cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự thì bị truy cứu về tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự. Người có chức vụ, quyền hạn nếu cố ý làm lộ bí mật nhà nước mà bí mật đó không phải là bí mật công tác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Bí mật nhà nước bao gồm: những tin tức về vụ việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Việc xác định những tin tức... có phải là bí mật nhà nước hay không cần căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mỗi ngành, mỗi cấp, từng cơ quan, tổ chức đều có những tin tức bí mật khác nhau. Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia ra làm ba mức độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Việc xác định tin tức nào là tuyệt mật, tối mật và mật phải căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về độ mật của các tin tức của mỗi ngành, mỗi cấp.

Bí mật công tác cũng là bí mật nhà nước nhưng gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Nếu bí mật công tác thuộc độ tuyệt mật và tối mật được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì không còn là bí mật công tác nữa mà thuộc bí mật nhà nước. Đối với bí mật không thuộc độ tuyệt mật và tối mật mà thuộc độ mật thì do cơ quan, tổ chức đề nghị Thủ tướng quyết định thuộc bí mật công tác của các cơ quan, tổ chức. Do đó, khi xác định tài liệu bị tiết lộ có phải là bí mật công tác hay không, ngoài việc căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước còn phải căn cứ vào các văn bản khác của từng ngành, liên ngành quy định về danh mục bí mật của cơ quan, tổ chức. Bí mật nhà nước có độ mật cao hơn bí mật công tác (tuyệt mật và tối mật), còn bí mật công tác chỉ ở độ mật. Có thể nói trong bí mật công tác có bí mật nhà nước nhưng khi đã là bí mật nhà nước thì không còn là bí mật công tác nữa.

Trong vụ án Dương Tự Trọng, HĐXX xác định chuyên án được cơ quan nhà nước đang điều tra thuộc thông tin tuyệt mật của Nhà nước được quy định tại Quyết định số 13 năm 2010 ngày 13-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ nên khởi tố vụ án về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước là “chuẩn”. Tội danh này có khung hình phạt cao hơn tội làm lộ bí mật công tác.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm