Không phải di sản, tòa thụ lý là sai

Bà Phan Thị Hồng Cúc kể, trước đây cha bà mất sớm, chỉ còn lại mẹ. Mẹ bà có một thửa đất rộng hơn 3.000 m2 tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Năm 1995, khi mẹ bà định bán thửa đất trên cho người khác, bà đã bỏ ra bốn cây vàng mua lại. Việc chuyển nhượng diễn ra hợp pháp, đến tháng 2-2006, bà Cúc được UBND thị xã Thủ Dầu Một cấp giấy đỏ, sau đó bà đã xây nhà để ở.

Bị đòi chia thừa kế

Hai năm sau, bà Cúc cho đo đạc lại đất để cấp đổi giấy đỏ, mẹ và các em của bà đều không có ý kiến gì. Năm 2006, mẹ bà Cúc mất, việc đứng tên trên đất và quản lý, sử dụng sau đó của bà Cúc cũng vẫn bình thường.

Rắc rối chỉ xảy ra khi gần đây bà Cúc có ý định bán đất thì hai người em của bà không chịu, nói rằng đó là di sản của cha mẹ để lại. Tháng 4-2013, hai em bà Cúc đã làm đơn yêu cầu UBND phường Chánh Nghĩa giải quyết tranh chấp quyền thừa kế thửa đất trên với bà Cúc.

Không phải di sản, tòa thụ lý là sai ảnh 1

Vợ chồng bà Cúc cho rằng việc tòa thụ lý giải quyết vụ án là sai nên phải đình chỉ. Ảnh T.TÙNG

Sau khi được phường hướng dẫn, một người em của bà Cúc đã đại diện đứng đơn khởi kiện yêu cầu tòa phân chia thửa đất trên thành ba phần bằng nhau cho ba chị em. Kèm theo đơn kiện, nguyên đơn chỉ cung cấp được bản phôtô giấy đỏ mang tên bà Cúc, một biên bản hòa giải ở phường, giấy báo tử của mẹ và một bản phôtô tờ tương phân. Tờ tương phân này của cụ cố nội bà Cúc (được lập từ trước năm 1990), có nội dung chia đất cho mẹ bà Cúc và các cô chú khác. Trên cơ sở của tờ tương phân này, mẹ bà Cúc mới được đứng tên thửa đất và đến năm 1995 mới có thể chuyển nhượng hợp pháp cho bà Cúc.

Tháng 5 vừa qua, TAND TP Thủ Dầu Một đã ra quyết định thụ lý vụ tranh chấp thừa kế nói trên. Ngay sau khi nhận thông báo thụ lý, bà Cúc đã ba lần làm đơn khiếu nại gửi chánh án tòa này yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ án. Bà Cúc cho rằng việc tòa thụ lý là sai bởi thửa đất đã thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà từ năm 1995, không còn là di sản mà cha mẹ bà để lại nên không thể phát sinh quan hệ tranh chấp thừa kế theo yêu cầu của các em bà. Không nhận được hồi âm, bà Cúc tiếp tục khiếu nại đến TAND tỉnh và VKS tỉnh nhưng các nơi này chỉ chuyển đơn về cho TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết theo thẩm quyền...

Không phải là di sản

Về mặt pháp lý, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét việc tòa thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế trong trường hợp trên là sai.

TS Tiến phân tích: Quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Cúc đã được xác định vững chắc thông qua việc chuyển nhượng hợp pháp từ người mẹ năm 1995 và được chính quyền địa phương công nhận bằng giấy đỏ cấp năm 2006. Thửa đất này không còn thuộc quyền sử dụng của người mẹ, tức không phải là di sản thừa kế.

Trong khi đó, Điều 164, Điều 165 BLTTDS quy định yêu cầu của người khởi kiện phải hợp pháp và có căn cứ. Trong vụ này, tính hợp pháp là có bởi luật quy định quyền liên quan đến thừa kế của công dân là vĩnh viễn. Nhưng tính có căn cứ của yêu cầu khởi kiện là không vì yêu cầu tranh chấp thừa kế nhưng thực tế không có di sản của người chết để lại, nghĩa là không có đối tượng tranh chấp.

Về thực tế xét xử, Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (TAND quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết gặp những tình huống tương tự, các thẩm phán đều phải đánh giá rất thận trọng vì cơ sở để thụ lý vụ án không đủ. Với vụ án cụ thể này, theo Thẩm phán Hoàng, quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Cúc đã được xác lập xuyên suốt từ khi mẹ bà còn sống cho đến nay. Chuyện này rất rõ ràng, đồng nghĩa với việc yêu cầu khởi kiện đòi chia di sản thừa kế là thiếu căn cứ. Khi đã không đủ điều kiện thì tòa không thụ lý mà phải trả đơn và giải thích cho đương sự biết.

Phải đình chỉ giải quyết

Tòa thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế là sai vì phía nguyên đơn không có chứng cứ nào chứng minh đó là tài sản thừa kế chưa chia. Còn nếu nguyên đơn không đồng ý với việc UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy đỏ cho bà Cúc thì phải khởi kiện hành chính. Lúc này quan hệ tranh chấp sẽ rẽ sang một hướng khác.

Theo tôi, trường hợp trên tòa phải đình chỉ việc giải quyết vụ án trả lại đơn kiện vì người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Cơ sở pháp lý là Điều 168 BLTTDS quy định về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện, trong đó có trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc chưa đủ điều kiện để khởi kiện.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm