Các nước đối phó khủng hoảng lương thực

Bộ trưởng Kinh tế Bangladesh bác bỏ khả năng chính phủ sẽ phân phối lương thực trợ cấp cho công nhân ngành dệt với lý do chính phủ phải lo chung chứ không thể ưu ái riêng cho ngành dệt. Tuần rồi, 20.000 công nhân dệt đã biểu tình phản đối lương thấp và giá cả tăng.

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình diễn ra với lý do tương tự (ảnh).

Hồi đầu tháng 4, chính phủ Bangladesh đã tuyên bố đến cuối tháng 5 sẽ nhập khẩu 0,4 triệu tấn gạo của Ấn Độ, bán lại với giá rẻ cho dân.

Trước đó, tại Bồ Đào Nha, Quốc hội đã nhất trí kêu gọi chính phủ Bồ Đào Nha và Liên minh châu Âu phải có những biện pháp cần thiết ủng hộ các tổ chức quốc tế và châu Âu cải thiện tình hình khủng hoảng lương thực ở các nước nghèo.

Tại Trung Quốc, Hiệp hội Các nhà kinh doanh nghề cá (hơn 500 doanh nghiệp thành viên) đã cam kết sẽ hỗ trợ kiềm chế giá tiêu dùng gia tăng bằng cách từ nay đến tháng 6 sẽ bán thủy hải sản không lấy lãi. Ước tính số lợi nhuận đóng góp khoảng 200 triệu nhân dân tệ (440 tỷ đồng VN).

Trong khi đó tại Senegal, cuộc họp Hội đồng Tổng thống hôm 18-4 đã chủ trương mở một cuộc phản công tổng lực về lương thực để ngăn chặn nạn đói kém. Chỉ tiêu đề ra là vào năm tới phải đạt hai triệu tấn bắp, ba triệu tấn sắn, nửa triệu tấn gạo, 400 triệu lít sữa và 43.500 tấn thịt.

Tổng thống Senegal Abdoulaye Wade đã cam kết sẽ cung cấp đủ giống tốt và nông cụ cho nông dân. Ông cũng đề nghị từ bộ trưởng cho đến các cán bộ công ty phải canh tác mỗi người tối thiểu 20 ha.

Tại Gabon, chính phủ đã quyết định thành lập một ủy ban liên bộ phụ trách đề xuất những giải pháp cấp thời nhằm kềm giá lương thực.

HOÀNG DUY (Theo AFP, Radio Kiskeya, Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm