Nguy cơ nước Bỉ bị chia đôi!

Cuộc trưng cầu ý kiến mới đây cho thấy: Có tới 75% người dân khu vực nói tiếng Hà Lan đồng ý chia tách, ở khu vực nói tiếng Pháp, tỷ lệ tán thành chỉ có 20%.

Cuộc tổng tuyển cử ở Bỉ kết thúc đã 3 tháng, nhưng do các chính trị gia hai khu vực nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan không tin tưởng lẫn nhau nên cho đến nay vẫn không thể thành lập được chính phủ liên hợp.

Ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất chia tách Bỉ thành hai quốc gia. Các tổ chức cực đoan thì tổ chức biểu tình khắp nơi đòi chia tách đất nước. Hiện nay quốc hội Bỉ đã hoàn toàn bị tê liệt.

Bỉ là một nước nhỏ nằm kẹp giữa Hà Lan, Pháp và Đức. Theo hiến pháp, ngôn ngữ chính thức của Bỉ gồm 3 thứ tiếng. Vùng Flemish ở miền Bắc có 6,5 triệu dân nói tiếng Hà Lan sau cuộc bầu cử ngày 10/6 năm nay đã tích cực yêu cầu trưng cầu dân ý để chia tách đất nước.

Thủ lĩnh chính đảng của người gốc Hà Lan, ông De Witt hôm 11/9 đã tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng chính trị của chúng ta đã kéo dài 92 ngày, chính phủ của người Hà Lan đến nay vẫn không được chấp nhận, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ quyết định quốc hội, chính phủ của người Flemish chúng tôi để tuyên bố nền độc lập của mình”.

Tuy nhiên vùng Wallonia nói tiếng Pháp gồm 4 triệu người ở miền nam lại không muốn nước Bỉ tan rã. Thủ lĩnh Liên minh yêu nước của cộng đồng này nói: “Đây là lần đầu tiên sự phân liệt nước Bỉ diễn ra mạnh mẽ như thế, nhưng toàn quốc từ Bắc chí Nam, các chính đảng dù là phe tả hay hữu đều ủng hộ sự thống nhất đất nước”.

Trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua, hai đảng Dân chủ thiên chúa giáo và Tự do chiếm 81 trong số 150 ghế của quốc hội đã đồng ý thành lập một chính phủ liên hiệp nhưng do khu vực Flemish nói tiếng Hà Lan không muốn phân chia quyền lực với người vùng Wallonia dẫn đến việc chính phủ mãi không thành lập, quốc hội không thể vận hành bình thường được.

Rất nhiều người Flemish đã than phiền rằng nền kinh tế hưng thịnh hơn của họ đã phải bao cấp cho cộng đồng Wallonia với những thành phố xập xệ và tỉ lệ thất nghiệp cao tới 14% (gấp đôi của người Flemish).

Cộng đồng nói tiếng Hà Lan đang đòi hỏi thêm quyền tự trị trong lĩnh vực y tế, tư pháp và giao thông vận tải, một trong những thành lũy cuối cùng thuộc quyền quản lý trung ương từ Brussels.

“Không thể nào cứ sống chung mãi trong một quốc gia mà từ năm này qua năm khác nhóm thiểu số lại ngăn cản nhóm đa số hiện thực hóa những mục tiêu quan trọng nhất của mình” - Het Laatste Nieuws tờ nhật báo lớn nhất của Bỉ, bình luận.

Đối với các đảng phái chính trị thì việc đòi độc lập chỉ là mục tiêu chính thức của đảng cực hữu “Vì lợi ích của người Flemish” nhưng với sự lớn mạnh của đảng này, chiếm tới 17 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng sáu thì khuynh hướng cấp tiến này cũng đã bắt đầu ảnh hưởng tới những chính đảng Flemish khác.

Cục diện chính trị nước Bỉ hiện nay rất phức tạp, sự khác biệt về chính trị giữa hai vùng rất lớn, không có một chính đảng nào có thể giành được sự ủng hộ của cả hai cộng đồng.

Vì vậy, kết quả bầu cử ở vùng Flemish chiếm 60% dân số thường có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc tổng tuyển cử. Thông thường, chính đảng lớn nhất vùng Flemish được quyền ưu tiên lập chính phủ liên hiệp, người lãnh đạo của họ cũng thường là thủ tướng chính phủ mới.

Quốc hội Bỉ gồm lưỡng viện hợp thành với 150 hạ nghị sỹ và 71 thượng nghị sỹ, nhiệm kỳ 4 năm, trong đó các hạ nghị sỹ và 40 thượng nghị sỹ được bầu trực tiếp, 31 người còn lại do các vùng theo ngôn ngữ chỉ định. Tình hình phân bổ các ghế nghị sỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập chính phủ mới.

Nhật báo De Standaard gần đây đã dành nhiều trang phân tích chi tiết về những hậu quả thực tế của việc ly khai. Với nền kinh tế phát triển của mình, người Flemish dễ dàng gia nhập EU nhưng việc chia đôi những biểu tượng quốc gia như Thư viện hoàng gia hay thủ đô Brussels sẽ rất khó khăn. Sự diệt vong của vương quốc Bỉ sẽ khiến đất nước này rơi vào một vòng luẩn quẩn. 

Thu Hoa (Theo TPO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm