Pháp - Trung Quốc: Cổ vật đầu thú của ai?

Ngày 23-2, tòa án dân sự TP Paris (Pháp) đã tuyên bác yêu cầu của Hiệp hội Bảo vệ nghệ thuật Trung Hoa tại châu Âu về việc dừng bán đấu giá hai cổ vật thế kỷ 18 bằng đồng đen (đầu chuột và đầu thỏ) bị thất lạc của Trung Quốc. Tòa cũng buộc hiệp hội trên phải bồi thường 2.000 euro (46 triệu đồng VN) cho bên bị đơn gồm Công ty bán đấu giá Christie’s và Công ty Bergé.

12 đầu thú thất lạc

Sự việc bắt nguồn vào tháng 7 năm ngoái. Công ty bán đấu giá Christie’s của Pháp thông báo sẽ bán đấu giá các vật sưu tầm nghệ thuật của hai nhà thiết kế thời trang cao cấp Yves Saint Laurent và Pierre Bergé vào tháng 2-2009. Trong số này có hai cổ vật đầu chuột và đầu thỏ vốn của Trung Quốc.

Đầu chuột và đầu thỏ thuộc 12 đầu con vật tượng trưng cho 12 con giáp ở vườn Viên Minh vào thời nhà Thanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) bị liên quân Anh-Pháp mang đi trong chiến tranh nha phiến thứ hai (1856-1860) và thất lạc ở nước ngoài nhiều năm. Hiện Trung Quốc đã thu hồi được năm cổ vật gồm đầu trâu, đầu khỉ, đầu hổ, đầu heo và đầu ngựa. Năm cổ vật còn lại gồm đầu rồng, đầu rắn, đầu dê, đầu gà và đầu chó chưa rõ tung tích.

Nghe tin Pháp tổ chức đấu giá cổ vật, Trung Quốc đã thành lập Đoàn luật sư đòi lại cổ vật bị thất lạc của vườn Viên Minh do luật sư Lưu Dương đứng đầu và 80 luật sư khác.

Đoàn luật sư Trung Quốc đã gửi thư cho Công ty Christie’s đề nghị: Do quyền sở hữu hai cổ vật đầu chuột và đầu thỏ vẫn còn đang tranh chấp nên tạm thời dừng bán đấu giá và giao hai cổ vật cho tòa án Pháp hoặc Bộ Văn hóa Pháp bảo quản, đợi sau khi Pháp và Trung Quốc giải quyết tranh chấp xong xuôi sẽ định đoạt.

Tuy nhiên, ngày 12-2, Công ty bán đấu giá Christie’s trả lời công ty có đủ chứng cứ pháp luật chứng minh quyền sở hữu hai cổ vật nói trên nên vẫn bán đấu giá như dự định.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố: Hai cổ vật đầu chuột và đầu thỏ là văn vật quý giá của Trung Quốc bị liên quân Anh-Pháp cướp đi trong chiến tranh, do đó Trung Quốc có quyền sở hữu, các cổ vật này nên trả về cho Trung Quốc.

Khó thắng kiện

Trong phiên tòa ngày 23-2, tòa nhận định Hiệp hội Bảo vệ nghệ thuật Trung Hoa tại châu Âu không đủ tư cách đại diện cho Trung Quốc nên không có quyền trực tiếp yêu cầu dừng bán đấu giá cổ vật.

Còn theo lập luận của bên bị đơn, chỉ có chính phủ Trung Quốc hoặc ban ngành văn hóa Trung Quốc mới có đủ tư cách nguyên đơn để đưa ra yêu cầu trên. Bên bị đơn cũng khăng khăng phủ nhận hai cổ vật trên bị cướp và đã qua tay nhiều người, hiệp hội đã kiện nhầm người.

Đoàn luật sư của Trung Quốc nhấn mạnh hai cổ vật của vườn Viên Minh là di sản văn hóa có giá trị lịch sử và nghệ thuật không thể phủ nhận đối với Trung Quốc. Nếu đem bán đấu giá, chúng sẽ trở thành vật sở hữu tư nhân, như vậy sẽ gây ra tổn thất không thể bù đắp cho văn hóa và lịch sử Trung Quốc cũng như đối với di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, luật sư Nhiệm Hiểu Hồng (một trong các luật sư đại diện cho Hiệp hội Bảo vệ nghệ thuật Trung Hoa tại châu Âu) cũng thừa nhận: Bên bị đơn là chủ sở hữu hợp pháp của hai cổ vật đầu chuột và đầu thỏ, do đó rất khó thắng kiện.

Luật sư Lưu Dương nói: “Tuy kết quả phiên tòa rất đáng tiếc nhưng có thể khiến những người tham gia phiên tòa tại Pháp nghe thấy tiếng nói của Trung Quốc, biết được lịch sử cổ vật vườn Viên Minh bị cướp. Đó cũng là cái thắng trong thế thua và đạt được mục đích tố tụng”.

Ngày 6-10-2008, trên trang web của nhà bán đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã rao bán năm bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Theo lời họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai của Bùi Xuân Phái), trong năm bức tranh đó có bốn bức giả gồm hai bức vẽ Chèo và hai bức vẽ phố cổ. Tác phẩm thật duy nhất có tên là Red cat (Mèo đỏ) được Bùi Xuân Phái vẽ trong bưu thiếp chúc mừng năm mới. Bốn bức tranh giả được rao bán với giá 120.000-400.000 đôla Hong Kong.

Sau khi họa sĩ Bùi Thanh Phương phản hồi và đánh tiếng sẽ khởi kiện, trang web của Sotheby’s Hong Kong đã im lìm gỡ thông tin đấu giá xuống. Họa sĩ Phương khẳng định, đây không phải lần đầu Sotheby’s bán đấu giá tranh giả độn tranh thật của Bùi Xuân Phái. Ngày 8-4-2008, Sotheby’s từng đấu giá ba bức mạo tên Bùi Xuân Phái gồm: Trước giờ biểu diễn (bản gốc còn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Chân dung Trần Thịnh (bản gốc thuộc sưu tập của bà Thẩm Đôn Thư tại Pháp) và Houses.

QUỲNH TRANG

HOÀNG HẠNH (Theo Nhân Dân Nhật Báo, Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm