Từ Van Gogh tới Paul Getty

LTS: Việc các tỉ phú Mỹ hiến tặng cộng đồng tài sản của mình, từ ĐH Stanford đến quỹ của Bill Gates chẳng phải là những câu chuyện lạ ở các nước Âu Mỹ. Nhân 40 năm khởi đầu Trung tâm Getty nhờ di tặng số tiền khổng lồ của tỉ phú dầu hỏa J. Paul Getty, xin giới thiệu bài viết nhiều cảm xúc của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Thị Vĩnh Tường về trung tâm lừng danh này.

Năm 1983, mảnh đất cheo leo trên độ cao 250 m ở sườn núi Santa Monica nhìn ra Thái Bình Dương được chọn làm Getty Center. Từ cảnh trí tuyệt vời này kiến trúc sư Richard Meier sáng tạo một kiến trúc phức tạp như một ông vua nghệ sĩ ngông cuồng bảo trợ nghệ thuật. Năm 1997, Getty Center trị giá 1 tỉ USD, cung cấp 12.000 công việc, mở cửa miễn phí mời công chúng thưởng ngoạn văn minh thế giới.

Tòa nhà tráng lệ bằng đá quý

Vật liệu xây dựng Trung tâm Getty là đá travertine màu mật ong vàng nhạt rực rỡ buổi sáng và ngọt ngào buổi chiều. Từ tảng đá vô tri, tòa nhà thoắt chứa cả tâm thức của chủ nhân lẫn sự khéo tay của người thợ: Bảo tàng không phải cho người chết ngủ vùi mà để vực họ sống dậy. Đá travertine quý phái kết hợp uy nghi quá khứ với gợi cảm hôm nay.

Travertine là một loại đá trầm tích (sedimentary) giữa đá vôi và đá cẩm thạch. Dưới áp lực Trái đất trong hàng chục, hàng trăm ngàn năm đá vôi (limestone) có thể biến thành đá travertine. Thêm hàng chục, hàng trăm ngàn năm nữa, travertine có thể biến thành đá cẩm thạch (marble). Travertine mịn hơn đá vôi nhưng không mịn bằng đá cẩm thạch. Cùng là vật liệu xây dựng, đá cho kiến trúc vẻ đẹp oai nghi mà không thô kệch như khối bê tông.

Travertine tốt trên thế giới ở Bagni di Tivoli, cách Rome 20 dặm ngay chân núi Tiburtine, nước Ý. Dồi dào, dễ khai thác, nhẹ hơn đá cẩm thạch nên 2.000 năm trước, người La Mã cổ đại chọn travertine xây dựng tất cả công trình ở Roma như đấu trường La Mã, cống dẫn nước, đài phun nước Trevi, mặt tiền và hàng cột của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Trung tâm Lincoln ở New York, Trung Tâm giải trí ABC ở Los Angeles dùng travertine từ Tivoli. Trung tâm Getty ở Los Angeles cũng ngông cuồng không kém: Dùng travertine ở Tivoli cách hơn 10.000 km đường bay hay ba tuần lênh đênh trên biển, trong khi travertine ở Yellowstone National Park, tiểu bang Wyoming, có cấu trúc và màu sắc y hệt đá Tivoli, lái xe 15 tiếng đồng hồ. Bụt chùa nhà không thiêng hay nghệ sĩ ngông cuồng Paul Getty nhớ hơi hướng tiền kiếp cô em Địa Trung Hải giòn tan trong nắng?

Toàn cảnh Trung tâm nghệ thuật Getty rộng lớn và tráng lệ ở California.

Kỳ công xây dựng của kiến trúc sư bậc thầy

Năm 1983, kiến trúc sư Richard Meier và nhóm nghiên cứu làm việc một năm tại Bagni di Tivoli, sở hữu của gia đình Mariotti nhiều đời khai thác travertine. Dùng khoan đầu kim cương cắt travertine từ vách đá thẳng đứng, khoan một khối 6 x 12 x 2 m mất một ngày rưỡi, cho rơi xuống một bãi đất mềm để không bể, sau đó được chia thành các khối nhỏ hơn và mài dũa thành từng miếng.

Getty mời nhà thầu DBM xây dựng Getty trong bốn năm, tiền công 65 triệu USD. Họ sử dụng 108.000 m2 travertine nặng 16.000 tấn chia thành 375.000 miếng. Mỗi miếng 76 x 76 cm, dày 8 cm, nặng 115 kg. Meier sáng chế cách ráp không dùng vữa, nhìn tưởng là “dán” vào cột hay tường, mục đích nếu có động đất thì các kiến trúc này tự động hơi lắc lư. Thực tế chứng minh thử nghiệm của Meier mang lại kết quả: Tháng 1-1994, động đất nghiêm trọng ở Northridge gần đó, kiến trúc dao động nhưng vẫn đứng vững, vượt xa tiêu chuẩn địa phương đòi hỏi. Sáng chế này giúp Getty thắng giải thưởng quốc tế 1998-1999 xây cất.

Lưu giữ kiệt tác của Van Gogh

Getty Center cũng là nơi hân hạnh lưu giữ bức tranh Irises - Hoa diên vĩ, do Van Gogh vẽ năm 1889, khi ông vừa nhập viện tâm thần Saint-Rémy bên Pháp. Năm 1987, Alan Bond - một doanh nhân người Úc mua lại bức Irises từ nhà đấu giá Sotheby’s ở New York với giá 54 triệu USD. Năm 1990, Alan Bond thua lỗ trong doanh nghiệp nên bán lại bức Irises cho Getty. Theo ký kết, sẽ không tiết lộ giá cả vì Getty không muốn người thưởng ngoạn trầm trồ số tiền chục triệu thay vì chiêm ngưỡng bức tranh.

Từ cửa sổ, bạn bè duy nhất của Van Gogh là đồng lúa mì, lùm cây ô liu và kỳ diệu thay những bụi hoa diên vĩ. Sự cô lập và nỗi buồn mênh mông khiến ông chúi đầu vào khung vẽ. Van Gogh nói: “Tôi không còn chắc chắn về mình và những bức tranh xuất hiện như trong một giấc mơ”. Từng cánh hoa đáng lẽ mịn màng nhìn gần tuồng như chảy toang máu xanh cứa tung mặt vải. Một năm ở viện tâm thần, Van Gogh điên cuồng nghiến răng tự tô vẽ thảm kịch “nhiệt tình và tuyệt vọng” trên 142 bức tranh.

Một ngày hè California, nắng chan hòa trên những phiến đá travertine vàng mật ngọt ngào. Hình như Van Gogh ẩn hiện sau màu lam lapis huyền bí diên vĩ từng bông. Vẻ mặt khắc khổ Van Gogh dõi nhìn trong đám nhân gian bề bộn xếp hàng tìm một bàn tay ân cần chia nỗi đau khi ông nghiến răng bóp cò súng tự kết liễu đời mình ngày 26-7-1890, khi mới 37 tuổi, hấp hối giữa giấc mơ chưa đạt.

Du khách quay lại chắp tay chào cảm ơn Van Gogh và Paul Getty dắt tay đi một đoạn đường. Tiễn chân du khách, hai linh hồn ngông cuồng đang bay trên ngọn cây phong xào xạc bên tường travertine chục ngàn năm tuổi.

Bảo tồn cho kiên cố đời đời

Theo nhà địa chất học kiêm bảo tồn Eric Doehne của Trung tâm Getty thì travertine sử dụng tại Getty có thể từ 8.000 đến 80.000 năm tuổi. Có ít nhất hai lá hóa thạch tìm thấy trong khối đá là đối tượng của môn cổ sinh vật học tại Getty. Travertine thường có màu trắng, nếu vàng nhạt là do lưu huỳnh hay nâu do hợp chất sắt. Travertine màu nhẹ gọi là classico, màu đậm hơn gọi là barco. Một lớp silicate quét lên mặt giúp nước không đọng lại. Sàn lát đá travertine bền ít nhất 50 năm ở những nơi đi lại nhiều nhất. Một lớp dầu quét lên travertine để giảm thiểu hao mòn do thời tiết và ăn mòn hóa học vì không khí ô nhiễm ở Los Angeles.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.