‘Biển ta, ta đánh bắt, ai cấm được?’

Lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc ban hành chỉ có hiệu lực trên vùng biển và ngư dân của họ. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh cá bình thường trên vùng biển của mình. Chiều 18-5, liên quan đến lệnh cấm đánh bắt khai thác trên biển từ phía Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đã nhấn mạnh như thế với Pháp Luật TP.HCM.

Phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế

Theo ông Trung, phía Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12 giờ ngày 16-5-2015 đến 12 giờ ngày 1-8-2015 trong phạm vi vùng biển từ 12o vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm một số khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam - vịnh Bắc Bộ và vùng biển Hoàng Sa). Về bản chất, lệnh cấm này chỉ có liệu lực đối với ngư dân Trung Quốc và trong vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, phạm vi cấm biển từ 12o vĩ Bắc lại bao trùm lên cả vùng biển Việt Nam và Philippines. “Trung Quốc áp đặt lệnh cấm của nước mình lên các nước khác là điều vô giá trị” - ông Trung khẳng định.

Ông Trung cũng cho biết Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn ngư dân hoạt động đánh bắt bình thường trên vùng biển của Việt Nam. Ngư dân không phải ngần ngại về quy định cấm biển từ phía Trung Quốc. “Ngư dân ta cần tăng cường đoàn kết trên biển, đi đánh bắt cá theo tổ, đội để hỗ trợ nhau nhằm bảo đảm sản xuất. Trung Quốc tuyên bố như trên nhưng không thể làm được với các nước khác. Các nước đều có chủ quyền của mình. Các lực lượng chức năng Việt Nam sẽ có phương án phối hợp để bảo vệ ngư dân” - ông Trung cho hay.

Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản phản đối việc chính quyền TP Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) ra thông báo cấm đánh bắt trên biển Đông. Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định hành động trên của Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, dẫn đến sản lượng khai thác hải sản bị giảm sút và thua lỗ. Thông báo đó vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngư dân miền Trung vẫn ra khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc. Ảnh: TL

Vẫn ra khơi bình thường

Chiều 18-5, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết ngư dân miền Trung rất bức xúc trước lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc và khẳng định vẫn sẽ vững bước ra khơi.

Theo ông Lĩnh, năm nào cứ đến mùa này phía Trung Quốc lại ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, ngư dân miền Trung vẫn ra khơi đánh bắt, không chùn bước trước lệnh cấm phi lý này.

Tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chiều cùng ngày, bất chấp lệnh cấm, nhiều tàu thuyền vẫn chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực, đá, dầu... để ra khơi đánh bắt. “Đây đang là mùa đánh bắt cá nên dù Trung Quốc có cấm biển chúng tôi vẫn đi. Mà chúng tôi ra đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam thì có gì phải sợ” - ngư dân Lê Văn Rạng cho biết.

Cũng theo ông Lĩnh, tại các vùng biển gần các đảo ở Hoàng Sa, tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện cản trở, rượt đuổi các tàu cá Việt Nam. Ông Lĩnh chia sẻ dù mọi người đều có chút lo lắng, bất an nhưng ai cũng tự dặn lòng phải đoàn kết lại để kiên cường bám biển. Nhằm tránh các thiệt hại không cần thiết cho ngư dân, Hội Nghề cá TP Đà Nẵng đã vận động tàu thuyền đánh bắt tránh xa các khu vực mà tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện. Thực hiện đánh bắt theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ nhau trong những trường hợp khẩn cấp.

Ông Lĩnh cũng như nhiều ngư dân miền Trung đều mong muốn các lực lượng chức năng trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư tăng cường sự hiện diện trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm đánh bắt.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết vùng biển Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt từ bao đời qua nên lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc là vô giá trị. “Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên chúng tôi chỉ chấp hành khi Chính phủ Việt Nam ra lệnh cấm biển. Còn tại ngư trường này, chúng tôi vẫn có hơn 40 tàu đang khai thác, đánh bắt hải sản. Nhiều tàu khác cũng đang chuẩn bị lên đường ra đó” - ông Chinh nói.

Trung Quốc biện bạch

Dẫn thông tin từ AP, báo điện tử VnExpress cho hay ngày 18-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng nước này hằng năm vẫn đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè và Trung Quốc chỉ đơn thuần “hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế” để bảo tồn nguồn cá. Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực biển Đông. Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.

Trước đó, Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc ra thông báo quy định phạm vi, thời gian nghỉ đánh bắt cá ở biển Đông là một hành động vô giá trị và kiên quyết phản đối quyết định này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm