Chuyển xử lý hành chính
Theo đó, các ông Nguyễn Tuấn Cảnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp; ông Trương Văn Phẩm, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, ông Trần Minh Luân, nguyên Trưởng phòng Giá - Quản lý công sản (Sở Tài chính), được VKS miễn trách nhiệm hình sự, đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành chính vì các cán bộ trên đã khắc phục hậu quả, có quá trình dài đóng góp cho tỉnh. “Việc đình chỉ điều tra vụ án trên, miễn trách nhiệm hình sự cho các cán bộ này cũng là phục vụ tình hình chính trị tại địa phương” - nguồn tin này cho biết.
Sai phạm trong đấu giá 323 ha cao su, nhiều cán bộ tỉnh Bình Phước bị xử lý. Ảnh: H.NHI
Theo một nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Phước, trong 12 người là lãnh đạo UBND, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả thì nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Trương Tấn Thiệu, nộp 3 tỉ đồng. Các ông Nguyễn Văn Lợi (hiện là phó chủ tịch UBND tỉnh) và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã tự nguyện nộp từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Nhiều người trong các cán bộ liên quan đến vụ bán 323 ha cao su trên đã bị chuyển công tác khác.
Lãnh đạo sai vì tin tưởng cấp dưới
Như chúng tôi đã thông tin, năm 2010 tỉnh Bình Phước có chủ trương bán hơn 323 ha cao su hai đến ba năm tuổi để lấy tiền đầu tư đường Lộc Tấn - Bù Đốp. Sau đó tỉnh lập hội đồng định giá (gồm chín cán bộ) để bán số cao su trên. Hội đồng do ông Phẩm làm chủ tịch, ông Luân làm phó chủ tịch và các thành viên khác. Hội đồng định giá thống nhất giá khởi điểm cho 323 ha cao su là hơn 106 tỉ đồng và tháng 8-2010, tỉnh phê duyệt bán thí điểm ba lô cao su (hơn 30 ha) với giá hơn 11 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó ông Cảnh báo cáo với tỉnh là không có người đăng ký mua, đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh giảm giá bán. Đến giữa tháng 10-2010, ông Phẩm triệu tập hội đồng định giá, thống nhất giảm 30% giá khởi điểm và tỉnh đã phê duyệt theo đề nghị này. Sau khi bán thẳng ba lô cao su thí điểm, ông Phẩm bàn với ông Luân lấy giá bán thí điểm này áp luôn cho hơn 290 ha còn lại. Vì thế, giá khởi điểm của 323 ha cao su từ 106 tỉ đồng xuống còn 82 tỉ đồng.
Sau khi khởi tố vụ án, công an trưng cầu định giá tài sản, xác định việc bán 323 ha cao su gây thiệt hại cho ngân sách hơn 6,2 tỉ đồng, trách nhiệm chính trong vụ này là của ba bị can nêu trên. Tại kết luận điều tra, công an cũng xác định trách nhiệm của một số lãnh đạo tỉnh và nhiều cán bộ có liên quan đến sai phạm trên.
Sau một năm điều tra vụ án trên, Công an tỉnh Bình Phước đã có kết luận điều tra và đề nghị VKS tỉnh truy tố ba bị can, tuy nhiên VKS đã có quyết định đình chỉ vụ án hình sự trên để chuyển sang xử lý hành chính.
Công an không xác định được việc thông thầu trong vụ bán cao su này và xác định một số lãnh đạo, chuyên viên; phó, chánh Văn phòng UBND tỉnh có sai phạm trong vụ bán cao su nhưng chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo công an, các chuyên viên, lãnh đạo văn phòng ủy ban tin tưởng vào cơ quan tham mưu nên không kiểm tra các quy định liên quan, soạn thảo, trình lãnh đạo ký ban hành các văn bản sai. Đến lượt mình, các lãnh đạo lại tin tưởng vào bộ lọc của ủy ban nên ký mà không xem lại quy trình, gây thiệt hại cho Nhà nước. Họ liên đới trách nhiệm trong các sai phạm của vụ án trên.
Đình chỉ vụ bán đấu giá 72 ha gỗ steak, nhà liền kề Ngày 5-1, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết liên quan đến vụ bán đấu giá 72 ha rừng gỗ steak và hơn 6.000 m2 đất liền kề mà cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, công an đã xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương của trung ương để đình chỉ hai vụ án do đã khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ có liên quan. Hiện vụ án đã được đình chỉ do các sai phạm đã khắc phục… |
HIỀN NHI