TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, vừa đề xuất một giải pháp khá táo bạo nhằm giải quyết triệt để nạn kẹt xe ở TP.HCM. “Nếu các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thì tôi sẽ nghiên cứu sâu để đưa ra những giải pháp cụ thể” - TS Phúc khẳng định với phóng viên hôm 17-2.
Bắt bệnh “thích xe máy”
Theo TS Phúc, nguyên nhân chính gây kẹt xe ở TP.HCM là do lượng xe máy quá nhiều. “Số liệu thống kê mới nhất cho thấy TP.HCM có gần 6 triệu xe máy. Trên thế giới không có nước nào, không có thành phố nào dùng nhiều xe máy như TP.HCM” - ông Phúc nói.
Nguyên nhân kẹt xe do xe máy quá đông đã được nhận diện từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hạn chế. Hiện hầu hết người dân vẫn chọn xe máy làm phương tiện chính để đi lại. Vì thế mỗi khi có ý kiến “hạn chế xe máy” là người dân phản đối.
Vì sao người dân chuộng xe máy mà không thích xe công cộng như xe buýt? TS Phúc cho rằng đây là vấn đề mấu chốt cần được lý giải mới giải được bài toán kẹt xe cho TP. “Tôi cho rằng không phải người dân không thích đi xe buýt mà là không thể sử dụng phương tiện này” - ông Phúc lập luận.
TS Phúc nói rằng đã khảo sát và cho thấy người dân phải đi trung bình hơn 3 km để có thể di chuyển từ chỗ ở, chỗ làm việc ra trạm xe buýt. Quãng đường này khá xa, quá bất tiện. Ở các nước phát triển, họ đi khoảng 300 m
là gặp trạm xe buýt. Vì thế, ở các nước phát triển, ô tô cá nhân rất nhiều nhưng người có ô tô vẫn chuộng đi xe công cộng. “Ở nhiều TP lớn trên thế giới, số người đi xe công cộng gấp 15-20 lần số người đi xe cá nhân” - ông Phúc dẫn chứng.
Giao thông ở TP.HCM trong vòng luẩn quẩn: Xe buýt kém, dân chuộng xe máy, thế là xe máy “vây” và xe buýt không phát triển được. Ảnh: KB
Lấy xe buýt xóa xe máy?
Theo TS Phúc, chi phí đi xe buýt ở TP.HCM khoảng 500 đồng/km, trong khi chi phí cho việc đi xe máy là gấp đôi. Ngoài ra, việc đi xe buýt còn có các tiện lợi như không sợ mưa nắng, bụi bặm, ít tai nạn giao thông. Do đó, nếu mạng lưới xe buýt tốt thì người dân sẽ tự động bỏ xe máy chuyển sang đi xe buýt. Câu chuyện này nhiều nước đã thực hiện thành công rồi, không có gì phải bàn cãi.
“Ở TP.HCM, theo tính toán của tôi, một người đi xe máy chiếm dụng diện tích mặt đường gấp hơn năm lần một người đi xe buýt (xem thêm trong box). Từ kết quả này có thể dễ dàng nhận ra nếu mọi người không đi xe máy như hiện nay mà tất cả đều đi xe buýt thì mức độ kẹt xe sẽ giảm đi hơn 500%” - ông Phúc khẳng định.
Ông Phúc cho rằng: "Nếu đáp ứng 100% nhu cầu thì tổng số xe buýt cần sắm sẽ là 157.000 chiếc. Tuy nhiên vào giờ cao điểm, với lượng người đi xe máy lưu thông trên địa bàn TP chiếm 70% tổng số xe hiện có ( ứng với 4,2 triệu chiếc xe máy) thì số xe buýt cần thay thế chỉ vào khoảng 110.000 chiếc".
Đi xe máy chiếm đường gấp năm lần đi xe buýt TS Nguyễn Bách Phúc nói: “Xe máy bình quân rộng 0,7 m, dài 2 m và cần có khoảng cách an toàn với xe hai bên (0,5 m), xe phía trước (2 m). Vì vậy, một xe máy khi lưu thông chiếm dụng gần 5 m2 mặt đường. Tôi khảo sát và đếm ngẫu nhiên trên đường cho thấy cứ năm xe máy thì có một chiếc có hai người nên bình quân một người đi xe máy chiếm dụng hơn 4,1 m2 mặt đường. Trong khi đó, trung bình một xe buýt chở được 45 người. Xe rộng 2,5 m, dài 9 m, khi chạy cần khoảng cách an toàn tối thiểu với xe bên cạnh (0,5 m), xe phía trước (3 m). Vì vậy, một xe buýt chạy sẽ chiếm dụng 36 m2 mặt đường nên bình quân một người đi xe buýt chỉ chiếm dụng 0,8 m2 mặt đường”. Metro không là đũa thần xóa kẹt xe? Tàu điện ngầm (metro) chở hàng chục triệu lượt khách mỗi ngày nhưng không phải bỏ hàng tỉ USD xây các tuyến metro thì sẽ có hàng chục triệu người đi metro ở TP.HCM như nước ngoài. Ở các nước phát triển, giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt kết nối hoàn chỉnh rồi mới xây metro. TP.HCM thì làm ngược lại. Vì vậy, không nên quá kỳ vọng vào metro. Hệ thống metro chỉ có thể phát huy tính ưu việt khi mạng lưới xe buýt phủ khắp. Nếu không thì người dân dù thích cũng “không thể sử dụng” metro nên kẹt vẫn hoàn kẹt. TS NGUYỄN BÁCH PHÚC |