Làm rõ nể nang hay tranh thủ lấy lòng
. Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện nhức nhối hiện nay là làm sao để phát hiện ra có bao nhiêu ông Truyền trong hàng ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp?
Trong vụ ông Truyền lẽ ra cơ quan liên quan phải phát hiện và xử lý sớm thì mức độ vi phạm đã không nghiêm trọng như vậy. Việc giám sát, phát hiện các sai phạm của cán bộ phải có sự quyết liệt. Chính sự quyết liệt trong công tác phòng, chống sai phạm cán bộ đến cùng là cách giữ uy tín cho Đảng, cho hệ thống chính trị. Đồng thời cảnh tỉnh kịp thời cán bộ có khuyết điểm, để tránh xảy ra sai phạm lớn như vừa qua. Tránh dư luận râm ran còn có bao nhiêu ông Truyền.
. Nhưng thưa ông, thực tế công tác giám sát, phát hiện cán bộ tiêu cực, nhất là lãnh đạo cao cấp thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Phải chăng lãnh đạo càng cao thì sự cả nể càng lớn, dù người đó đã về hưu?
+ Có thể nói quyết tâm của Bộ Chính trị, của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng rất cao. Tuy nhiên, theo tôi, việc chống tham nhũng phải làm đến cùng và chỉ ra bài học cụ thể, để vừa phòng ngừa vừa răn đe và để cán bộ - nhất là cán bộ cấp cao “rút ra bài học kinh nghiệm”. Còn sự cả nể thì việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực không thể thành công, không thể đi đến cùng.
Việc thu hồi khối bất động sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền được người dân và báo chí quan tâm. Ảnh: HTD
Trong vụ việc này, nếu anh Truyền khai gian dối để xin cấp nhà thì đó là tham. Nhưng một số cơ quan, tổ chức liên quan đã vì nể nang hay là cách để lấy lòng đã cấp đất, nhà là góp phần cho đồng chí Truyền hư. Như vậy, cần làm rõ câu chuyện sai phạm trong bán nhà trái quy định là xuất phát từ sự nể nang hay là cách để các cơ quan, tổ chức ở địa phương lấy lòng một vị đứng đầu cơ quan Thanh tra chính phủ.
. Tức là cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ giao nhà cho ông Truyền là vì nể nang hay tranh thủ lấy lòng cấp trên?
+ Đúng thế. Ở đây, nếu ông Truyền đề xuất mua nhà vì khó khăn trong nhà ở không đúng theo quy định thì các cơ quan liên quan ở địa phương phải xem xét đề xuất đó của ông Truyền có đúng theo quy định pháp luật không. Nếu không có cơ sở để bán, giao nhà giá rẻ thì cơ quan đó phải từ chối. Đó chính là cách bảo vệ ông Truyền cũng là bảo vệ uy tín cho cơ quan, tổ chức có liên quan. Như vậy, cấp ủy các địa phương cần tiếp tục phải làm rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong sự vụ này.
Kiên quyết xử lý sai phạm từ khi đương chức
. Phải chăng các cán bộ tham mưu ở địa phương chỉ nhìn vào chức vụ người lãnh đạo, chức càng cao thì địa phương càng phải “o bế” thưa ông?
+ Theo tôi càng là cán bộ cao cấp, bản thân người cán bộ đó phải ý thức và phải trung thực là mình có thực sự khó khăn không. Đối với đơn xin mua nhà giá rẻ hay xin đất thì càng là cán bộ cao cấp thì địa phương cần xem xét cẩn trọng chứ không thể “đơn giản” cho qua hồ sơ khi nhìn vào chức vụ của họ. Tránh trường hợp “cả tin, dễ nể”. Đó là cách lấy lòng, tranh thủ…
. Thưa ông, vì sao trong suốt nhiều năm ông Truyền đương chức nhưng cơ quan chức năng không phát hiện được khối tài sản kếch xù của ông Truyền - người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng. Phải chăng việc kê khai tài sản vẫn chỉ hình thức?
+ Đó là công tác giám sát, phê bình và tự phê bình chưa thực sự mạnh mẽ, cấp ủy Đảng cơ quan ông Truyền, cơ quan liên quan cũng chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến không phát hiện. Hồi tôi còn công tác ở UBKTTƯ, có trường hợp cấp dưới có đề xuất nhằm lấy lòng cấp trên. Lãnh đạo UBKTTƯ lúc đó phát hiện được đã kêu vị cán bộ đó lên làm việc, nhắc nhở… và như vậy lúc ấy hậu quả chưa xảy ra, vị cán bộ đó vẫn công tác bình thường. Nói như vậy để thấy càng đấu tranh đối với các biểu hiện tiêu cực, sai phạm của cán bộ đang đương chức cũng chính là bảo vệ cán bộ, tránh xảy ra sai phạm từ nhỏ rồi dần dần thành lớn.
Tôi cho rằng vụ việc ông Trần Văn Truyền là bài học đau xót nhưng rút ra nhiều điều trong việc đấu tranh đến cùng để bảo vệ cán bộ, uy tín của Đảng.
. Xin cám ơn ông.
NGUYỄN ĐỨC thực hiện