Đà Nẵng: Ngư dân, tiểu thương lao đao vì thông tin cá nhiễm độc

Trước thông tin một số con cá chết dạt vào bờ biển Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được đăng tải, chúng tôi đã ghi nhận thấy tình cảnh éo le mà ngư dân, thương lái, tiểu thương, nhà hàng, du lịch TP Đà Nẵng đang gánh chịu ngay trong sáng 28-4.

Những người sống nhờ cá biển điêu đứng

Cảng cá Thọ Quang xơ rơ và ngư dân không hiểu chuyện gì đang xảy ra với họ khi cá của họ không có người mua. Ảnh: LÊ PHI

Tại âu thuyền Thọ Quang, vựa cá lớn nhất miền Trung, nhiều ngư dân tay chống cằm thất thần nhìn ra biển. Những ngư dân sống nhờ biển đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cá họ đi đánh bắt về đang ế ẩm và không thể bán được. Nhìn lớp lớp cá nằm đó, bà con nghẹn trong nước mắt.

Ngư dân Lê Văn Phương (Đức Phổ, Quảng Ngãi) rầu rĩ cho hay: “Cá chúng tôi đánh bắt xa như vậy sao nhiễm độc từ nhà máy được. Nhưng vì hiện tại người dân đang tẩy chay cá nên cá sạch của chúng tôi cũng bị vin vào luôn. Giờ lên bán nhiều thương lái lắc đầu, có mua thì mất 50% giá. Khổ quá”.

Cá của ngư dân miền Trung khi vào bán tại Đà Nẵng đang ế ẩm thê thảm. Ảnh: LÊ PHI

Một ngư dân khác thì cho biết: “Biết thua lỗ nhưng giờ cũng phải đi, không đi thì mất bạn thuyền. Bạn thuyền không đi nữa thì chỉ có nước treo niêu”. 

Chị Đặng Thị Chung (một thương lái thu mua cá ở âu thuyền Thọ Quang) than vãn: “Trước đây có 10 người đi buôn cá thì giờ chỉ còn ba người. Cá về nhưng chúng tôi cũng phải dè dặt mua vì bán không được. Dân người ta nghe tin cá chết vì nhiễm độc nên không ăn”.

Chị Đặng Thị Chung cho biết người dân không mua cá vì thông tin nhiễm độc chưa có căn cứ đã khiến thương lái, ngư dân điêu đứng. Ảnh: LÊ PHI

Theo chị Chung, cá ế ẩm kinh hoàng nếu có thu mua thì cũng chỉ được nửa giá so với trước đây nhưng vấn đề chính là mua rất ít chứ không thể mua nhiều vì không biết bán cho ai. Cụ thể, giá cá giã cào, cá lưới trước đây 50.000 đồng/kg giờ bán 30.000 đồng/kg cũng không ai mua. Còn cá mú trước đây bán 120.000-150.000 đồng/kg mà giờ hô 60.000 đồng/kg người dân cũng ngó lơ.

“Dân biển mình là thiệt thòi nhất, giờ ảnh hưởng quá, ngư dân nghỉ hết. Người ta điện vào nói cá họ không mua, mực ế. Mà ngư dân đi biển về thì lỗ, lỗ thì không có bạn đi, khổ rứa chưa phải” - chị Chung tâm sự.  

Thông tin giờ chưa biết cụ thể thế nào nhưng dân mình hoang mang nên không mua. Chứ cá đánh bắt về có rất nhiều, trong số đó đánh bắt ở khơi xa nữa.  

Bà Lê Thị Tý (bán cá tại chợ Nại Hiên Đông) buồn, nói : “Họ nói cá biển không ăn, bán ế lắm. Mớ cá của tui trước đây bán phải được 150.000 đồng giờ hô 70.000-80.000 đồng chứ mấy, mà cũng ít người mua lắm”. 

Theo bà Tý thì ngay cả cá sông bà bán người ta cũng nói là cá biển nên không mua. “Chỉ nói đến cá thôi là người dân làm lơ rồi” - bà Tý nói.
Theo quan sát của PV, tại chợ Nại Hiên Đông, nơi cá được đưa từ khu vực âu thuyền Thọ Quang về bán thì những hàng cá những tiểu thương nới đây đang bị ế ấm. Người dân gần như làm lơ với cá. Hàng cá không có người đứng lại mua.

Chị Nga (bán cá ngay khu vực vỉa hè chợ Nại Hiên Đông) cũng cho hay nhiều người dân nghe nói đến cá là không mua chứ chưa hiểu gì cả. “Cá có cá ở biển xa về và cá trong bờ. Cá biển xa về thì đâu có ô nhiễm gì đâu mà không ăn. Với lại cá ở Đà Nẵng đâu có nhiễm độc gì đâu. Chỉ mấy con cá chết ở bờ biển hết sức bình thường vậy thôi. Năm nào cũng có vài con chết dạt vào bờ như vậy chứ không phải bây giờ do nhiễm độc mà chết. Người dân cứ nghe đồn rồi lo lắng quá nên không ăn cá nữa khiến chị em chúng tôi bỏ nghề mất, rồi biết lấy chi sống” - chị Nga nghẹn giọng.

Theo một nhân viên quản lý tại chợ Nại Hiên Đông thì hiện tại số lượng tiêu thụ cá sụt giảm 80%. Hiện tại những ngư dân và người dân sống nhờ nghề bán cá tại Đà Nẵng đang rất hoang mang và thua lỗ vì không bán được cá.

Uy hiếp tới du lịch TP Đà Nẵng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Trần Chí Cường (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng) cho biết hiện tại vụ việc báo chí thông tin quá nhanh chóng về cá chết chưa kiểm chứng tại biển Đà Nẵng đang gây khó khăn cho ngành du lịch TP. “Việc thông tin cá chết như vậy hiện đã ảnh hưởng đến khách du lịch TP. Nhiều hàng quán du khách đã không còn mặn mà với cá nữa. Việc thông tin cá nhiễm độc đã đánh vào tâm lý của du khách và người dân. Hiện chúng tôi đang tập trung thống kê những hệ lụy gây ra cho ngành du lịch TP và lên kế hoạch để ứng phó với việc này” - ông Cường nói.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho hay TP và ngành du lịch của Đà Nẵng đang rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông hãy bình tĩnh đưa tin và các ngành chức năng của TP sẽ sớm có thông tin gửi đến các cơ quan báo chí để thông tin đến người dân. Bởi vì những thiệt hại từ việc cá nhiễm độc sẽ tác động trực tiếp đến người dân TP, trong đó có người dân sống nhờ con cá.  “Hiện tại chúng tôi đã chỉ đạo một số đơn vị lữ hành quan tâm hơn tới du khách. Nếu du khách có tâm lý e ngại với các món cá biển thì hãy đổi thực đơn cho họ lựa chọn”, ông Cường cho biết.

Bà Tý cho hay, không chỉ cá biển mà cá sông cũng vạ lây. Nghe đến cá là người dân không mua. Bà không thể bán được cá và có thể sẽ phải dẹp hàng vì ế ẩm, thua lỗ. LÊ PHI

Thực tế, tại các quán nhậu, nhà hàng tại Đà Nẵng khách hàng đang rất e dè với cá biển. Và họ đang lựa chọn các món khác thay thế.

Đặc biệt, hiện tại TP Đà Nẵng đang vào mùa du lịch biển và Ngày lễ 30-4, 1-5 đang tới nếu TP không có biện pháp ứng phó kịp thời thì ngành du lịch sẽ phải gánh chịu thiệt hại không thể đong đếm hết.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho Pháp Luật TP.HCM biết: “Chiều này sẽ có thông tin vế kết quả xét nghiệm mẫu nước. TP sẽ cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm