Đến cuối ngày 18-12, các lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp cùng phương tiện, thiết bị cứu hộ chuyên dụng tốt nhất đã được huy động đến hiện trường để tìm cách đưa 12 người bị kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo ra ngoài. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn nên thời gian dự kiến đưa các nạn nhân ra ngoài phải lùi thêm hai ngày.
“Sức khỏe của 12 người trong hầm đang tốt”
Lúc 20 giờ 30, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tiến độ đào hai ngách hầm để đi vào cứu người đang tiến triển tốt, ngách bên phải đã đào hơn 6 m (đang cách 12 người bị kẹt khoảng 20 m), ngách bên trái đào được gần 3 m. Hiện nước bên trong đang cạn dần. Mực nước trong hầm các nạn nhân còn hơn 0,5 m (đêm 17-12 là 1,5 m). Nước vẫn đang tiếp tục được bơm ra. Vẫn đưa được đồ ăn, sữa vào bên trong…
Trong đêm 18-12, thông qua đường ống nhỏ, các lực lượng cứu hộ đưa vào bên trong cho các nạn nhân một đèn led, một đèn pin nhỏ, một tờ giấy thông báo tình hình bên ngoài là các lực lượng đang dốc sức cứu hộ cùng một cây bút để các nạn nhân viết các yêu cầu và chuyển ra ngoài.
Cũng trong đêm 18-12, BV Chợ Rẫy đưa vào cho các nạn nhân một loại dung dịch thuốc đặc biệt để các nạn nhân không cần ăn thêm thức ăn gì khác mà vẫn bảo đảm sức khỏe (loại thuốc dung dịch này chỉ cần ăn một bịch nhỏ là đủ cầm cự cả ngày).
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang khoan, đào để sớm giải cứu nạn nhân. Ảnh: N.ĐỨC
Chiều 18-12, sau khi đến hiện trường khảo sát, nắm bắt tiến độ cứu hộ cứu nạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thông tin: “Sức khỏe của 12 người trong hầm đang tốt, có bị lạnh nhưng các nạn nhân có đủ dinh dưỡng vượt qua được trong mấy ngày tới”.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải có biện pháp để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nạn nhân nhưng phải bảo đảm hai yêu cầu cốt yếu cứu được các nạn nhân và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ trong hầm sâu. “Phải khẩn cấp cứu người bị nạn, càng nhanh càng tốt” - ông chỉ đạo.
Đào thêm đường hầm thứ hai
Phó Thủ tướng cũng cho biết: Nhằm bảo đảm tính mạng của những người bên trong, công binh đưa ra thêm một giải pháp là đào thêm đường hầm thứ hai phía bên trái đường hầm này để nếu tuyến bên phải không thuận lợi thì đã có tuyến bên trái, hoặc do địa chất lấp tuyến bên phải thì có tuyến dự phòng.
Theo tính toán hiện nay, tốc độ đào hầm bên phải 8 m/ngày nên phải mất ba ngày mới tiếp cận được người bị kẹt bên trong nhưng vẫn chưa nói chắc được. “Anh em đang tính sử dụng các liều nổ nhỏ để phá đá đào tiếp nhưng rất thận trọng, nếu không đất đá sập xuống vùi đường tiếp nước, sữa… cho các nạn nhân.
Còn lại phương án từ phía hạ lưu đang giao cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng, Công ty Sông Đà, Bộ Tư lệnh công binh sẽ nghiên cứu tiếp. Mặc dù hướng này địa chất yếu và còn đến hơn 60 m nữa mới tiếp cận được hiện trường nhưng chúng ta phải chuẩn bị tất cả biện pháp để tiếp cận 12 nạn nhân…” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Khoan được 40 m thì gãy
Trong ngày 18-12, các lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ triển khai cả ba phương án đào hầm tiếp cận đến các nạn nhân bị mắc kẹt gồm: phương án đào thủ công, dùng búa phá khí nén và dùng súng bắn nước.
Một tuyến khoan thông từ bên trên nóc hầm xuống để đưa được áo quần, thuốc men cho những người bên trong hầm nhằm qua được mấy ngày tới đây.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 18-12, khi khoan đến độ sâu 40 m, chỉ còn cách 12 người bị kẹt 30 m thì mũi khoan gãy vì gặp đá tảng. Hiện lực lượng cứu hộ phải khoan lại từ đầu ở một vị trí khác từ trên đỉnh đồi. “Quan trọng nhất vẫn là hướng từ phía trước hầm vì đây sẽ là đường để đưa các nạn nhân ra. Hiện lực lượng công binh vẫn đang đào ngách bên cạnh nơi bị sập và dùng gỗ tròn để gia cố hầm” - ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thông tin.
Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng viết thư cho nạn nhân Lúc 22 giờ ngày 18-12, theo yêu cầu của bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Yên gửi thư nhằm động viên tinh thần của các nạn nhân, trong khi chờ đợi đội cứu nạn tiếp cứu thành công. Ngay tại cửa hầm thủy điện Đạ Dâng, ông Yên viết: Thân gửi 12 anh chị em trong hầm! Ban chỉ đạo Phòng, chống cứu nạn đang tập trung toàn lực để giải cứu các anh chị, với lực lượng máy móc để giải cứu các anh chị; với lực lượng máy móc thiết bị hiện đại nhất và hàng trăm nhân lực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng. Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng. Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh chị. Bức thư đã được giao cho đội cứu nạn chuyển vào cho 12 nạn nhân. Đường hầm đã từng xảy ra sạt lở Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về thông tin thi công đường hầm thủy điện thiếu an toàn, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Trước mắt cơ quan chức năng đang tập trung mọi phương tiện để cứu người. Hiện nguyên nhân dẫn đến hầm dẫn bị sập một đoạn chưa thể kết luận là do thi công thiếu an toàn hay do địa chất sạt lở. Nguyên nhân vụ việc phải chờ kết luận của ngành chức năng liên quan”. Ông Yên thừa nhận trước đây đường hầm đã xảy ra sạt lở nhẹ và chủ đầu tư cũ đã tự xử lý nhưng tỉnh chưa nắm được hai vết sụt lún trên đỉnh đồi. “Chỉ có các chuyên gia kỹ thuật mới có thể thẩm định, kết luận hai vết sụt lún đó có phải là nguyên nhân gây ra vụ sập hầm này không” - ông Yên nói. Theo ông Yên, công trình này trước đây do Tổng Công ty Xây dựng công trình 5 làm chủ đầu tư và hiện nay là Công ty Long Hội. Sau ba năm ngừng thi công, công trình chỉ mới thi công trở lại gần đây. Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà là đơn vị trúng thầu thi công. “Việc đào hầm một số đoạn không làm kè là do biện pháp thi công của đơn vị thi công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề an toàn lao động. Người duyệt biện pháp thi công, phương án đầu tư cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. UBND tỉnh Lâm Đồng không duyệt cái này. Hiện đại diện chủ đầu tư đang đi công tác nước ngoài” - ông Yên nói. |