Hạn chế ‘cả họ làm quan’: Phải có cạnh tranh

TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, nói: “Đâu có phải chỉ một Hà Giang đâu! Ngay cả Thanh Hóa và một số nơi khác, việc bổ nhiệm người nhà vào bộ máy công quyền cũng đang là một vấn nạn. Cơ chế đề bạt, thăng chức, tuyển dụng, bổ nhiệm của ta hiện nay không ổn.

. Phóng viên: Vì sao ông lại cho rằng cơ chế đó không ổn?

+ TS Võ Đại Lược: Một trong những nguyên nhân là cơ chế đó bị đồng tiền và quyền lực chi phối. Dù thừa nhận hay không thừa nhận thì dư luận suốt thời gian qua vẫn thấy phải có quyền hoặc có tiền thì mới có “ghế”.

Với một cơ chế như vậy thì người có quyền dễ đưa người nhà vào cơ quan nhà nước. Nếu không đưa người nhà vào thì đưa ai? Điều này tạo ra nhiều nguy cơ cho sự phát triển của đất nước.

. Theo ông, đó là những nguy cơ gì?

+ Một khi anh đã bỏ tiền để vào Nhà nước để có chức vụ, anh chắc chắn phải lấy lại vốn và có lãi. Nguồn lực phát triển đất nước vì thế sẽ rơi ra khỏi các lĩnh vực cần đầu tư.

Một cơ chế mà Tổng Bí thư từng nói là chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy cả học hàm, học vị… thì rõ ràng nguy cơ cho sự phát triển là rất lớn.

Những vị lãnh đạo mới của đất nước đang có những tuyên ngôn mạnh mẽ về sự liêm chính, kiến tạo, phục vụ… nhưng rõ ràng đó là nhiệm vụ khó khăn. Không phải lúc nào cũng đủ điều kiện để diệt trừ những nguy cơ đã nói.

. Nhưng khi xảy ra các vụ việc bổ nhiệm cả nhà làm quan, chúng ta thường được nghe nói đến cụm từ “đúng quy trình”. Ông nhận định ra sao?

+ Đúng là khi đề bạt có chuyện hỏi ý kiến các cấp, các ngành, lấy phiếu tín nhiệm… nhưng đáng tiếc những khâu này đều có thể bị chi phối. Một người đứng đầu hoàn toàn có thể dùng quyền lực và ảnh hưởng của mình để làm cho quy trình này trở nên vô hiệu.

. Chẳng lẽ chúng ta… bó tay, thưa ông?

+ Chúng ta hiện nay đang thiếu vắng một cơ chế cạnh tranh thực sự. Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết vấn đề này thì phải có cạnh tranh . Thi tuyển là một hình thức có thể thúc đẩy sự cạnh tranh ấy. Một chức vụ trưởng chẳng hạn, có thể sẽ có chừng 4-5 ứng viên. Chuyện này chắc chắn sẽ hạn chế việc chạy chức, chạy quyền.

Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng quá trình thi tuyển cũng có thể bị can thiệp. Nhưng có thi tuyển còn hơn là không.

. Ông từng là cố vấn cho nhiều đời Tổng Bí thư, Thủ tướng. Ông đã từng kiến nghị những định hướng hiện gì để cải thiện tình hình này chưa?

+ Tôi từng kiến nghị trọng dụng nhân tài phải là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta hoàn toàn có thể thuê người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm trưởng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Viện trưởng những viện công nghệ tôi cũng kiến nghị phải thuê người nước ngoài. Tất nhiên ta phải trả lương họ cao nhưng vấn đề là hiệu quả mang lại.

Trước giờ tôi thấy mỗi môn đá bóng là thuê huấn luyện viên nước ngoài, bởi đứng trước sự cạnh tranh rất quyết liệt với bóng đá thế giới.

Cho nên tôi nghĩ phải có cạnh tranh trong mọi lĩnh vực thì mới thúc đẩy phát triển. Cái này rất nhiều nước trên thế giới đã làm rồi. Đơn cử như khi ông Lý Quang Diệu thành lập nội các Singapore, chỉ có hai bộ trưởng quốc phòng, an ninh là người Singapore, còn lại đều là người nước ngoài. ông Lý Quang Diệu trả mỗi bộ trưởng 1 triệu USD/năm và giữ lại 10% số thu nhập này để chống tham nhũng.

Cơ chế của ông Lý Quang Diệu là chọn những người xuất sắc nên tất cả mọi thứ của Singapore đều vươn lên đỉnh cao.

. Xin cám ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm