Chiều 13-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng cần làm rõ khái niệm mật để có quy định bảo vệ. Bên cạnh đó, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 thì cần có biện pháp đảm bảo an ninh mạng chứ không thể cấm mạng xã hội, Internet…
Cấm thì chỉ làm bế tắc thêm
Góp ý về dự thảo Luật An ninh mạng, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho rằng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 thì cần thiết phải đảm bảo an toàn mạng. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo sự tự do sáng tạo của con người trên không gian mạng.
Ông Dũng dẫn quy định đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Internet, viễn thông phải đặt máy chủ tại Việt Nam nhưng không giải thích rõ ràng khiến dư luận rất nóng. “Nếu diễn giải bao trùm hết cả Facebook, Google, Amazon cũng phải theo cái này thì không ổn. Bây giờ Facebook là dịch vụ toàn cầu hóa, kinh doanh ở 200 nước thì chẳng lẽ phải đặt máy chủ ở cả 200 nước hay sao? Đặt máy chủ ở tất cả 200 nước thì chi phí rất lớn” - ông Dũng nói và cho rằng nếu chúng ta quy định như vậy là không khả thi, trừ khi thị trường của Việt Nam lớn như Trung Quốc.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng đây là thời đại 4.0 rất quan trọng, trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo. Làm luật ra là để cuộc sống vận hành, để đảm bảo quyền của người dân, quyền được tự do sáng tạo, tự do kinh doanh, tự do làm giàu, tự do bồi dưỡng trí óc, giải trí. “Vấn đề an ninh mạng đúng là rất cấp bách nhưng một vấn đề cấp bách không kém là làm sao để đất nước chúng ta theo kịp với bước tiến của thế giới, làm sao phát huy được quyền tự do dân chủ, quyền tự do kinh doanh, sáng tạo để đất nước mạnh lên, giàu lên…” - ông nói.
Cùng ý kiến này, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) bày tỏ: “Cùng với sự phát triển của mạng Internet, mạng xã hội, tính dân chủ được phát huy rộng rãi hơn nhưng cũng vì thế khó quản lý hơn. Với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc cấm cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội chỉ khiến “xã hội bế tắc thêm””.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó”. Ảnh: TR.PHÚ
Nước nào cũng phải xử lý
Về dự luật này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay cơ quan soạn thảo xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, không nước nào không phải xử lý. “Vấn đề an ninh an toàn đó để phục vụ cho khía cạnh, lĩnh vực nào? Như nhiều vị ĐB nói là quốc phòng, an ninh, điện lực, hàng không... Đó là vấn đề có thể nhìn thấy được nhưng chúng tôi thấy nó đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Khía cạnh của an ninh mạng phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia” - ông Tô Lâm nói.
Theo ông Tô Lâm, nếu vì đảm bảo an ninh mạng chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. “Nhưng khi chúng ta vào cuộc chơi chung thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh, từ mọi mặt đời sống xã hội, riêng tư của con người nếu chúng ta không làm chủ” - Thượng tướng Tô Lâm cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh: “Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực thì xử lý được, thu thập được chứng cứ, có hiện trường nhưng trên không gian mạng là chứng cứ ảo, chứng cứ số thì sẽ được xử lý thế nào. Nó có thể bị xóa đi nhưng bằng khoa học kỹ thuật để khôi phục được cũng phải có quá trình. Để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, nếu luật không quy định thì xử lý rất khó khăn”.
Sức khỏe lãnh đạo có phải là bí mật nhà nước? Góp ý dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng cần làm rõ khái niệm bí mật nhà nước để từ đó có quy định bảo vệ cụ thể. “Sức khỏe lãnh đạo Đảng và Nhà nước có phải bí mật không? Nếu là bí mật nhà nước thì phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước. Còn không phải bí mật nhà nước thì chúng ta phải công khai. Liên quan đến chuyện sức khỏe của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để cho mạng thông tin nói cực kỳ xấu...” - ông Dũng đặt vấn đề và cho rằng cần phải có biện pháp để xử lý những thông tin như vậy. Ông Dũng cũng đề nghị không nên “cái gì cũng quy chụp là bí mật” bởi làm thế sẽ rất khó quản lý và không cảnh giác được chuyện lộ mật. Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật. Có thể những vấn đề hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì đã được xử lý. “Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn, tránh trường hợp không biết đâu là bí mật cần phải bảo vệ, đâu là vi phạm cần phải tránh” - ông Tô Lâm nói và nhấn mạnh: “Nếu tất cả đưa vào bí mật nhà nước hết thì không có tác dụng gì để minh bạch thông tin, quản lý và huy động được sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội”. |