Ngày 21-7, Hội Nghề cá Việt Nam đã phát đi bản kiến nghị Chính phủ khẩn cấp cho tạm dừng việc thực hiện Giấy phép 1517 do Thứ trưởng Bộ TN&MT ký ngày 23-6 về việc cho phép Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ở vùng biển gần Khu bảo tồn Hòn Cau.
Cần xem xét lại quy trình thẩm định
Tại văn bản này, Hội Nghề cá Việt Nam cùng kiến nghị thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét. Đồng thời xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp Giấy phép 1517 của Bộ TN&MT, đặc biệt là tính khách quan, trung thực, tính đại diện của bộ này.
Theo Hội Nghề cá, đây là vùng nước trồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều vùng khác). Tuy đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhuyễn thể sinh sống.
Đặc biệt gần đó là Khu bảo tồn Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn san hô, là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc, cùng với thủy sản di cư qua vùng biển này.
Cùng với Bình Định, biển Bình Thuận đang là nơi cung cấp giống tôm hùm tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận). Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh có vùng nước chất lượng tốt, là nơi có khoảng 1/3 trại giống tôm nước lợ, sản xuất tôm giống cho cả nước.
Với những đặc điểm tự nhiên này, vùng ven biển Bình Thuận bao gồm Hòn Cau rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Nam miền Trung, cần được bảo tồn.
Hội Nghề cá Việt Nam và rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng bày tỏ lo ngại sâu sắc việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát sẽ tác động nguy hại đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, với một hệ sinh thái phong phú, quý báu. Ảnh: PHƯƠNG PHẠM
Về giấy phép cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải, Hội Nghề cá cho biết: Bùn thải cửa sông ngoài thành phần chính là bùn hữu cơ, cát còn là trầm tích lắng đọng của các hóa chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện, canh tác nông nghiệp bao gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các loại chất độc khác, trong đó có nhiều loại chất độc hàng chục năm không phân hủy.
Trong giấy phép Bộ TN&MT yêu cầu chủ đầu tư nhận bùn nạo vét cửa sông xuống biển và cho rằng lượng bùn nhận xuống biển hàng triệu m3 sẽ không ảnh hưởng đến Hòn Cau. Tuy nhiên, Hội Nghề cá cho rằng thành phần bùn gồm phần bùn lỏng và phần cát, sỏi, khi đổ xuống biển có thể không lắng đọng xuống đáy. Trong điều kiện sóng, gió bão, thủy triều và hải lưu thì chỉ vài ngày lượng bùn này sẽ được sóng gió đưa đi bồi lấp làm chết sinh vật đáy, mất nơi cư ngụ của thủy sản bố mẹ, nhanh chóng làm thay đổi môi trường sinh thái của Khu bảo tồn Hòn Cau.
Cũng theo Hội Nghề cá VN, quy định pháp luật hiện hành nêu rõ việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lấy ý kiến công khai các nhà khoa học, các nhà quản lý, đặc biệt là nhân dân - những người trực tiếp bị ảnh hưởng. “Nhưng theo chúng tôi được biết thì nhiều đối tượng có liên quan chỉ được biết khi Giấy phép 1517 được công bố” - văn bản của Hội Nghề cá nêu.
Nhiều khuất tất, cần rút lại giấy phép
Chiều 21-7, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách QH, nêu quan điểm: “Việc Bộ TN&MT cho phép nhận chìm gần cả triệu m3 xuống biển, nếu không đảm bảo mức độ an toàn sẽ nguy hại đến vùng biển được bảo tồn và ảnh hưởng đến hàng triệu người dân”.
Theo ĐB Lê Thanh Vân, nếu giấy phép được cấp dựa trên hồ sơ dự án của công ty tư vấn vừa lộ ra sự gian dối mạo danh ba nhà khoa học thì việc cấp phép hoàn toàn trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với một vụ việc ảnh hưởng đến an toàn môi sinh và sức khỏe người dân, theo ĐB Vân, không thể sau khi cấp phép rồi mới tiến hành khảo sát, đánh giá lại tác động. “Không thể mất bò rồi mới lo làm chuồng”, ông Vân nói và cho rằng: “Ngay từ đầu phải đánh giá toàn diện các tác động khi cấp phép cho nhấn chìm xuống biển. Cấp phép rồi kiểm tra sau là hành động vô cùng nguy hiểm” - ông Vân nói.
ĐB Lê Thanh Vân cũng kiến nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH cần giám sát độc lập. “Trong lúc này cần rút giấy phép xả thải để đánh giá tác động môi trường một cách toàn diện hơn. Nếu thấy rằng không an toàn, gây nguy hiểm đến con người và hệ sinh thái biển thì phải dừng ngay phương án nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống vùng biển gần Khu bảo tồn Hòn Cau”.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, ĐB HĐND tỉnh, cho biết hành vi mạo danh một số nhà khoa học để đưa vào danh sách những người thực hiện dự án là vô cùng nghiêm trọng. “Các cơ quan có trách nhiệm cần phải vào cuộc làm rõ việc mạo danh này, bởi khi mời các nhà khoa học tham gia dự án đều phải có hợp đồng trách nhiệm, tiền thù lao rõ ràng” - ĐB Thiện nói.
Ngay cả việc lấy ý kiến người dân, tham vấn cộng đồng trong trả lời câu hỏi của ông mới đây, đại diện Tổng cục Biển hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) còn cho rằng đã lấy ý kiến của UBMTTQ xã Vĩnh Tân, còn người dân thì không cần. “Nếu quả thật tham vấn như thế là không ổn chút nào” - ông Thiện nói.
Theo ĐB Thiện, đây là dự án nhận chìm đầu tiên của cả nước được cấp phép nhưng thiếu minh bạch, có nhiều khuất tất nên “Bộ TN&MT cần rút giấy phép, ngừng ngay dự án này”.
Chủ tịch Hội Tôm Bình Thuận: Có nhiều số liệu quá vô lý Ngày 21-7, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết sau khi đọc được thông tin dự án này đã mạo danh một số nhà khoa học đưa vào danh sách thực hiện nhưng ông không bất ngờ. Bởi lẽ: “Hồ sơ dự án này cho rằng các cơ sở sản xuất nuôi tôm, các hộ nuôi tôm giống đều lấy nước biển cách bờ khoảng 100 m để phục vụ cho việc nuôi tôm là quá vô lý. Doanh nghiệp Nam miền Trung của tôi và một số công ty, cơ sở nuôi tôm giống khác ở đây đều có tàu chuyên dụng và phải đi cách đất liền 7 hải lý để lấy nước nuôi tôm. Một số cơ sở, hộ nuôi tôm không có tàu chuyên dụng đều lấy nước biển bằng cách xây dựng đường ống lấy nước dài từ 1.000 m đến hơn 2.000 m”. Ông Anh tiếp: “Nói điều này để thấy rằng họ không hề khảo sát, kiểm nghiệm thực tế mà chỉ cố tình đưa vào hồ sơ những thông tin sai sự thật để có lợi cho mình”. PHƯƠNG NAM |