Nên cho dùng biện pháp khẩn cấp trước khi kiện

Trong thực tế, nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn yêu cầu tòa áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà không muốn khởi kiện hoặc sau đó họ tự giải quyết được tranh chấp nên không khởi kiện. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, để được tòa chấp nhận ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đương sự phải khởi kiện.

Có ý kiến cho rằng để việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu quả, đúng mục đích, Bộ luật Tố tụng dân sự cần quy định cho phép đương sự có quyền yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Hầu hết pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới đều quy định cho phép đương sự quyền trên trước khi khởi kiện và độc lập với việc khởi kiện vụ án dân sự. Riêng với pháp luật ta, đây là một quy định khá mới. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận sự tiến bộ, tiện lợi của nó. Biện pháp khẩn cấp thường được ví như tình thế gấp gáp, cần làm ngay, nếu phải qua khởi kiện mới áp dụng được thì hóa ra chậm, có khi phía bên kia đã đủ thời gian để tẩu tán tài sản, gây bất lợi cho người kiện.

Do vậy, nên áp dụng quy định này để giúp người dân có thể giải quyết vụ việc của mình nhanh gọn, kịp thời, không phải qua trình tự kiện tụng kéo dài. Tòa án cũng nhẹ nhàng, bớt phải thụ lý thêm vụ án.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm