Nghi án lọt tội phạm một vụ chuyển tiền

Mới đây, TAND huyện An Phú (An Giang) đã tuyên phạt Lâm Văn Phúc hai năm chín tháng tù, Nguyễn Văn Hiệp hai năm sáu tháng tù cùng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Điều đáng nói là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra các đồng phạm dù có một giám đốc tự nhận rằng công ty đã nhờ chuyển tiền trả nợ…

Từ chạy xe ôm thành người phạm tội

Theo hồ sơ, Hiệp và Phúc chạy xe ôm chở khách sang các casino ở Campuchia. Năm 2009, Hiệp quen với một người ở thị xã Châu Đốc và được hứa trả tiền công cao khi chuyển ngoại tệ từ Châu Đốc qua Campuchia. Tương tự, Phúc cũng nhận được một lời đề nghị như trên.

Tối 7-1, Hiệp được người bạn kêu chuyển 10 cọc đôla Mỹ (USD) và đôla Úc (AUD). Hiệp giắt tiền vào thắt lưng rồi khoác chiếc áo bên ngoài, nhận tiền công 120.000 đồng rồi lên đường. Cùng thời điểm, Phúc cũng được nhờ chuyển bảy cọc đôla.  

Đến tối, cả hai đang xuống đò sang biên giới thì bị bắt giữ. Tổng số ngoại tệ bắt giữ của Phúc và Hiệp là 90.000 USD và 285.000 AUD.

Nghi án lọt tội phạm một vụ chuyển tiền ảnh 1

Xử sơ thẩm, HĐXX nhận định các bị cáo đã thực hiện hành vi vận chuyển tiền tệ với số lượng lớn, thể hiện tính nguy hiểm cao nên cần phải xử lý nghiêm nhằm răn đe, giáo dục các bị cáo.

Lộ mặt chủ mưu?

Sau khi bắt Hiệp và Phúc, cơ quan điều tra đã tiếp tục truy tìm chủ sở hữu số ngoại tệ xuất lậu trái phép nói trên. Qua đó, cơ quan điều tra đã xác minh được các số máy điện thoại di động liên lạc với Phúc, Hiệp trước khi bị bắt. Tuy nhiên, khi được hỏi đến, tất cả đều không thừa nhận có việc liên lạc này.

Vụ án đang được điều tra thì ngày 24-3, giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm (kinh doanh hàng nông sản thực phẩm tại khu siêu thị miễn thuế, Khu công nghiệp Xuân Tô, huyện Tịnh Biên) đã có văn bản tường trình gửi đến Công an huyện An Phú xin lại 90.000 USD và 285.000 AUD mà công ty thuê Hiệp và Phúc chuyển trả tiền mua bán lúa cho một công ty ở Campuchia.

Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, vị giám đốc này lại phủ nhận toàn bộ nội dung đơn đã gửi xin lại số ngoại tệ nói trên và cho rằng nội dung của văn bản là sai sự thật. Theo ông giám đốc, công ty không xuất số ngoại tệ nói trên để trả nợ. “Sở dĩ tôi làm như vậy là nghe theo lời một vị phó chủ tịch hội đồng thành viên công ty kêu ký, chứ sự thật tôi không biết gì về số ngoại tệ nói trên” - vị giám đốc đã giải thích.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, chưa đủ chứng cứ để khởi tố các đối tượng khác có liên quan đến hai vụ vận chuyển tiền trên của Phúc và Hiệp.

Cần làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm

Theo tôi, vụ án này chưa thể dừng lại ở đó vì có nhiều tình tiết chứng tỏ cơ quan điều tra có thể tóm được người chủ mưu. Cơ quan điều tra cần phải vin vào văn bản của Công ty TNHH Phú Lâm trong việc thừa nhận và xin lại số tiền tang vật phạm tội để làm rõ sự thật của toàn bộ vụ án. Nếu như ông giám đốc đã ký văn bản không thừa nhận và đổ là ký theo yêu cầu của vị phó chủ tịch hội đồng thành viên thì cơ quan điều tra cần điều tra xác minh vấn đề này. Nếu vị phó chủ tịch hội đồng thành viên thừa nhận thì coi như có cơ sở để khởi tố bổ sung vụ án. Nếu như vị phó chủ tịch không thừa nhận thì trách nhiệm thuộc về ông giám đốc vì chính ông là người ký văn bản. Tiền được vận chuyển trái phép là của ai đã có cơ sở để điều tra. Cơ quan điều tra phải làm rõ tiền này là của ông giám đốc hay vị phó chủ tịch hay là của người nào khác...

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

ĐỨC TRÍ - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm