Người bị hại vắng mặt, tòa có được dẫn giải?

Tới đây, TAND huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) sẽ đưa ra xét xử một vụ án về tai nạn giao thông. Vì nhiều lần tòa phải hoãn do vắng người bị hại, thẩm phán chủ tọa cho biết bằng mọi cách, thậm chí dẫn giải người bị hại để mở phiên xử. Tuy nhiên, đối chiếu quy định luật tố tụng hình sự thì chưa từng có tiền lệ về việc dẫn giải người bị hại.

Nạn nhân cố tình vắng mặt

Chiều 12-8-2009, trên đường chở mẹ chồng đi khám bệnh, xe môtô của Nguyễn Thị Lợi đã va chạm với xe môtô của Trà Xuân Ngân. Hậu quả, mẹ chồng Lợi chết sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Lợi bị thương tật 47%. Hai người đi xe môtô của Ngân bị thương phải đi cấp cứu.

Sau vụ tai nạn xảy ra, cho rằng mình không có lỗi nên Lợi làm đơn gửi Công an huyện Ninh Sơn yêu cầu giải quyết. Ngày 20-5-2009, Công an huyện Ninh Sơn có thông báo gửi Lợi với nội dung “không khởi tố vụ án vì xét Lợi có lỗi nhưng do gia đình thiệt hại nặng nên xét thấy không cần thiết khởi tố”.

Nhận được thông báo, Lợi tiếp tục khiếu nại đến Công an huyện Ninh Sơn và Công an tỉnh Ninh Thuận. Theo Lợi, Ngân điều khiển xe khi đã có rượu, chạy nhanh, vượt ẩu, sau đó gây tai nạn nhưng cơ quan chức năng lại không xem xét là không hợp lý.

Người bị hại vắng mặt, tòa có được dẫn giải? ảnh 1

Bất ngờ, ngày 2-2, Lợi bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Hai tháng sau, VKSND huyện có cáo trạng truy tố Lợi ra trước tòa về tội danh trên.

TAND huyện Ninh Sơn đã hai lần mở phiên tòa xét xử nhưng một trong hai người bị hại là người ngồi sau xe của Ngân liên tục vắng mặt. Lần đầu tiên, tòa hoãn xử do xét thấy việc người bị hại vắng mặt sẽ ảnh hưởng tính khách quan của vụ án. Mặt khác, hồ sơ vụ án cũng còn nhiều điểm chưa rõ nên tòa quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tòa được dẫn giải hay không?

Gần đây nhất, ngày 17-8, TAND huyện Ninh Sơn đưa vụ án ra xét xử. Một lần nữa tòa phải hoãn phiên tòa do bị hại là người ngồi sau xe của Ngân lại vắng mặt. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết lần này tòa sẽ hoãn, lần tới nếu người bị hại cố tình vắng mặt sẽ bị dẫn giải.

Tuy nhiên về việc dẫn giải người bị hại, một số chuyên gia pháp lý cho biết Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ quy định dẫn giải người làm chứng chứ chưa thấy quy định dẫn giải người bị hại nên việc này khó thi hành.

Luật sư Trương Thị Xem, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, nói: “Việc dẫn giải người làm chứng trong trường hợp cần thiết thì không có gì bàn cãi. Còn đối với người bị hại, theo quy định nếu họ vắng mặt thì HĐXX hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Luật không quy định cho phép dẫn giải người bị hại. Như vậy, tòa khó làm điều này”.

Một thẩm phán TAND TP.HCM cũng nhìn nhận điều này và cho biết thêm tòa chỉ làm những việc mà pháp luật quy định, luật không quy định thì tòa không thể thực hiện. Trong việc này, tòa chỉ có thể động viên người bị hại đến tham dự phiên tòa. Nếu người bị hại không tham dự, tòa củng cố hồ sơ chắc chắn và xử vắng mặt người bị hại.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý khác, trong vụ án này tòa có thể dẫn giải người bị hại. Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: “Trong vụ án này, người bị hại (người ngồi sau xe của Ngân) không chỉ là người bị hại mà còn là người làm chứng biết rõ nhất vụ án, vì vậy tòa có thể xem xét với cả tư cách người làm chứng. Theo luật, người biết rõ tình tiết liên quan vụ án là nhân chứng nên tòa có quyền triệu tập nếu cố tình vắng mặt thì áp giải”.

Củng cố hồ sơ để xử vắng mặt

Đúng là luật không quy định dẫn giải người bị hại. Đây cũng là thiếu sót cần phải khắc phục theo hướng tòa được phép dẫn giải. Tuy nhiên vì lý do nào đó như người bị hại ở xa… thì việc bổ sung hồ sơ tòa có thể ủy thác cho tòa nơi mà người bị hại đang cư trú tiến hành lấy lời khai… để sau đó xử vắng mặt.

Trường hợp người bị hại tham gia thêm với tư cách người làm chứng thì cũng khá hiếm trong tố tụng. Tôi nghĩ trong vụ này khó có thể dẫn giải người bị hại theo tư cách người làm chứng vì ngay từ đầu tòa không xác định tư cách tố tụng này của người bị hại.

Luật sư NGUYỄN ĐĂNG VŨ

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm