Nhiều người hoang mang với mức đóng BHXH 22%

Liên quan đến việc nhiều lao động lo lắng Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1-1-2016, quy định bắt buộc lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc phải đóng BHXH với mức cao, BHXH Việt Nam cho biết:

Tại khoản 2 Điều 85 Luật BHXH mới thì mức đóng và phương thức đóng được thực hiện như sau: Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của hai lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.

Phương thức đóng được thực hiện ba tháng, sáu tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, trả lời trực tuyến cho người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến quy định trên, một người dân đặt câu hỏi: "Công ty tôi làm có tám tiếng chỉ được lương cơ bản là 1.156.000 won, trong đó phải đóng các loại bảo hiểm tại Hàn Quốc, còn lại được 1.000.000 won. Nếu đóng 22% theo lương cơ bản bên Hàn Quốc thì chắc tôi chỉ còn 780.000 won, chưa tính sinh hoạt phí nữa nên tôi hơi hoang mang".

Theo BHXH, đối chiếu các quy định như trên, trường hợp trên thuộc đối tượng có mức đóng bằng 22% của hai lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ Việt Nam (hiện nay là: 1.150.000 x 2 x 22% = 506.000 đồng/tháng).

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Khi xây dựng Luật BHXH 2014, chúng tôi cũng đã cân nhắc đến khó khăn của người lao động. Do đó, riêng với đối tượng này, chúng tôi chỉ quy định tham gia ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất, thay vì năm chế độ như các nhóm đối tượng khác".

Phương thức đóng BHXH của đối tượng này cũng linh hoạt hơn, có thể đóng một lần cho toàn bộ thời gian làm việc ở nước sở tại với đối tượng có điều kiện, hay đóng một lần trong ba tháng hoặc sáu tháng hoặc một năm với đối tượng không có điều kiện. Đồng thời, họ cũng được lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH hay đóng qua doanh nghiệp đưa mình tới đây.

 Nhiều chuyên gia được mời đến để giải đáp các câu hỏi của người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Về việc người lao động nước ngoài phải đóng BHXH hai lần, đơn vị này khẳng định hiện nay Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định song phương về BHXH. Hiện Việt Nam đã đàm phán với Cộng hòa Liên bang Đức và Hàn Quốc… Khi chúng ta đã ký kết được hiệp định đó với các nước, người lao động Việt Nam ở nước ngoài chỉ phải đóng BHXH ở một quốc gia. Thời gian đóng sẽ được ghi nhận tới khi người lao động về nước.

Phụ cấp ăn trưa, điện thoại, xăng xe có phải đóng BHXH không?


BHXH Việt Nam khẳng định: Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2015/BLĐTBXH thì phụ cấp lương ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể gồm: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả công việc của người lao động.

Như vậy người lao động có trách nhiệm thỏa thuận với người sử dụng lao động thực hiện đúng theo các khoản phụ cấp đã được thỏa thuận ghi vào hợp đồng lao động và để đóng BHXH.

Đóng BHXH tự nguyện có được hỗ trợ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 1 và khoản 3 Điều 87 Luật BHXH năm 2014 thì Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện; căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện và luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, mức hỗ trợ, thời điểm được hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cụ thể khi có quy định của Chính phủ, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn về nội dung này.

Được hưởng trợ cấp BHXH 1 lần không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động thì người lao động được hưởng trợ cấp một lần trong các trường hợp sau:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục tham gia đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Như vậy, nếu thuộc các trường hợp nêu trên hoặc ra nước ngoài định cư thì thuộc đối tượng được hưởng BHXH một lần...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy