Nợ xấu ngân hàng ổn định... đáng lo ngại

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung về kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2014, tình hình những tháng đầu năm 2015. Tại hội trường, các đại biểu đã có phút mặc niệm ông Nguyễn Bá Thanh - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, từ trần hồi tháng 2 đầu năm do trọng bệnh.

Sắc hồng trong báo cáo của Chính phủ...

Báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ trình Quốc hội khá nhiều sắc hồng. 10/14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đạt kết quả cao hơn. Trong các chỉ tiêu này, chỉ một không đạt là tỉ lệ lao động qua đào tạo. Lạm phát cả năm chỉ ở mức 4,09% - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Các kết quả này được duy trì khá những tháng đầu năm nay, đến tháng 4, lạm phát chỉ ở mức 0,04% so với cuối năm trước. Thu ngân sách dù giảm mạnh nguồn từ dầu thô nhưng tổng mức vẫn đạt 34,5% dự toán, thấp hơn một chút so với kết quả 37,5% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,03% - mức tăng cao nhất trong năm năm qua...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

... Và những điểm mờ cần phân tích, làm rõ

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội một mặt đồng tình với các đánh giá của Chính phủ, mặt khác cần thấy rõ hơn các yếu tố thuận lợi bên ngoài đóng góp vào kết quả đó. Bởi mặt bằng lãi suất trên thế giới hạ thấp đã tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta; giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất, nhất là dầu thô giảm mạnh tác động tích cực tới chỉ số giá tiêu dùng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra một số vấn đề mà báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ. Chẳng hạn, tại sao lập kế hoạch trước đây, Chính phủ lại đề xuất và Quốc hội thông qua chỉ tiêu lạm phát 2014 ở mức 7,0%; đến kỳ họp cuối năm 2014, Chính phủ báo cáo kết quả là 4,5%-4,6%; nay lại báo cáo bổ sung là lạm phát cả năm chỉ ở mức 1,84%. Sai số quá lớn giữa dự báo và thực tế như vậy cần làm rõ, bởi nó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Tương tự, kết quả “tốt hơn” nhưng số doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động năm 2014 cao hơn 11% so với năm 2013, số doanh nghiệp hoạt động có lãi, phát sinh thuế thu nhập phải nộp vẫn ở mức thấp, dưới 50% theo báo cáo của Bộ Tài chính. Trong khi đó, khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đóng góp mạnh mẽ, chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự đối lập ấy tiềm ẩn nguy cơ mất bền vững của nền kinh tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra tình trạng nợ xấu ngân hàng “ổn định” đến mức lo ngại: Từ cuối năm 2011 tới hết 2014, tỉ lệ nợ xấu cứ chạy quanh 3,07% - 4,08% - 3,61% - 3,25%, tức là không có cải thiện rõ ràng. Cùng với đó là sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, lặp đi lặp lại tình trạng được mùa mất giá, ách tắc trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như hành tím, dưa hấu vừa qua.

Ủy ban Kinh tế cũng nêu lo ngại về nợ công. Bởi theo Chiến lược nợ công và trả nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách hằng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng đánh giá tháng 10-2014 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách năm 2015 sẽ lên mức 31%. Cho dù Chính phủ luôn khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn, song sự gia tăng vượt cả chiến lược trả nợ của Chính phủ thực sự gây lo lắng. Với việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, Chính phủ cần tính toán thận trọng, không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Nhân dân bất bình việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở biển Đông

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tổng hợp từ hơn 3.800 ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi tới Quốc hội. Theo đó, mối quan tâm lớn người dân là việc Trung Quốc tăng cường cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Nhân cho biết: “Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình” bởi những hành động này là vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN với Trung Quốc (DOC). Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nhân cũng đề cập Điều 60 Luật BHXH, vốn dẫn tới một số vụ ngừng việc tập thể ở các tỉnh phía Nam. Theo đó, MTTQ đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét để có giải pháp đáp ứng nhu cầu đa dạng của người lao động trong lựa chọn hình thức trợ cấp BHXH, phù hợp với điều kiện thực tế.

Còn ý kiến khác nhau về sửa các luật về tư pháp

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi.

Đây đều là những đạo luật quan trọng của nền tư pháp, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung rất lớn, mang tính toàn diện, là một bước cụ thể hóa những tinh thần mới của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, cả trong báo cáo của các cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Tư pháp đều chứa đựng những ý kiến, quan điểm khác nhau về những sửa đổi lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm