Ông Hoàng Mạnh Thắng – Phó trưởng phòng công chứng số 7 TP.HCM: Người lập di chúc có thể liên hệ các đơn vị hành nghề công chứng để thực hiện di chúc. Các thủ tục cần có là :
- Liên quan đến nhà đất: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy tờ tùy thân của người lập di chúc : CMND, hộ khẩu.
- Nếu cả 2 vợ chồng có ý định lập di chúc thì cần nộp thêm giấy đăng ký hết hôn.
- Đối với tài sản riêng hay chung, thủ tục là như nhau.
Theo quy định của pháp luật, khi lập di chúc không cần có giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện. Công chứng viên chính là người xác định năng lực hành vi dân sự của người làm di chúc. Chỉ khi công chứng viên nghi ngờ về sức khỏe, thần kinh hay năng lực hành vi dân sự của người làm di chúc thì mới tiến hành xác minh hoặc giám định, thông qua giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện.
Người làm di chúc có thể yêu cầu các tổ chức công chứng lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ, công chứng viên phải niêm phong di chúc trước mặt người làm di chúc và có giấy xác nhận lưu giữ.
Về chi phí, theo thông tư liên tịch số 08 năm 2012 của Bộ tài chính và Bộ tư pháp, mức phí lưu một hồ sơ di chúc là 100 ngàn đồng.
Khi người lập di chúc qua đời, thủ tục công bố di chúc là:
· Công chứng viên là người công bố di chúc.
· Sau khi được mở thừa kế (người để lại di sản chết), công chứng viên phải sao y di chúc ra cho tất cả cá nhân liên quan.
Một số lưu ý khác:
· Trong quá trình lưu di chúc ở tổ chức hành nghề công chứng, người lập di chúc nếu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ di chúc thì phải thông tin cho nơi lưu giữ di chúc trước đó.
· Khi người lập di chúc qua đời thì di chúc mới có hiệu lực. Người được thụ hưởng tài sản có quyền khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng. Văn bản khai nhận phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày tại nơi thường trú hay tạm trú cuối cùng của người lập di chúc. Khi văn bản này được công chứng, người thừa hưởng di sản liên hệ cơ quan đăng ký để làm thủ tục đăng ký sở hữu theo quy định.
· Trường hợp vợ hoặc chồng được hưởng thừa kế, nếu trong di chúc chỉ nêu tên một người thì tài sản này được xem là tài sản riêng của người có tên trong di chúc.