Gia đình, nơi hình thành văn hóa đọc

“Nếu đọc sách chỉ để trả bài, để đi thi thì đó là mục đích thực dụng và người đọc không thể nói là có văn hóa đọc” - nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra khái niệm về văn hóa đọc tại hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Hội thảo do Vụ Thư viện phối hợp với dự án giáo dục SachHay.com tổ chức ngày 16-9 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.

Nhà văn Nguyên Ngọc lý giải bản chất của văn hóa là vô vị lợi. Văn hóa trước hết là nhu cầu sống thiết yếu của con người. Cho nên đọc sách trước hết không phải là để “học” lấy một cái gì trong đó. Nếu vậy thì khi không cần học một cái gì nữa, người đọc sẽ không đọc sách nữa. Đọc sách là thú vui của con người. Hơn nữa, đọc sách như là một sự cần thiết hết sức tự nhiên, không có sách thì như không được thở vậy.

Gia đình, nơi hình thành văn hóa đọc ảnh 1

Văn hóa đọc là đọc sách như một thú vui, một nhu cầu thiết thân. Ảnh: TRÀ GIANG

Do khẳng định đọc sách như một nhu cầu tự nhiên, gần như có tính bản năng nên nhà văn Nguyên Ngọc cũng đưa ra lời đề nghị văn hóa đọc phải được hình thành từ nhỏ, bắt đầu từ gia đình. Ông dẫn chứng tại Phần Lan, khi một đứa bé ra đời thì bạn bè, người thân của gia đình sẽ tặng đứa bé không phải hoa hay bánh trái, quần áo… mà là một cái lẵng đẹp đựng đầy sách. Nhà văn Nguyên Ngọc kể gia đình ông vất vả tản cư suốt chín năm kháng chiến mà cha ông cũng giữ được toàn bộ tủ sách gia đình. Tương tự, tủ sách gia đình được giữ gìn không thiếu cuốn nào trong nhiều lần tản cư đã đưa nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn vào con đường nghiên cứu triết học uyên bác như ngày nay. Ông đề nghị khôi phục nếp sống gia đình tuyệt đẹp từng có đó. Cụ thể: tổ chức bàn luận với các bậc cha mẹ, các gia đình về xây dựng tủ sách gia đình, xem có làm được không, khó khăn gì, giải quyết cách nào, có thể cam kết cùng nhau không…

Nhiều diễn giả đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc và bổ sung thêm nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong hình thành văn hóa đọc sách cho học sinh. Một số ý kiến khác lưu ý vai trò của truyền thông trong giới thiệu, lập diễn đàn bàn luận về sách. Thậm chí có yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông vào cuộc bắt buộc các phương tiện truyền thông phải dành “đất” tuyên truyền văn hóa đọc.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm