Đó là một trong những con số đáng lưu ý tại Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 16-1.
Theo thống kê, trong năm năm từ 2013 – 2018, số lượng công bố ISI (Institute of Scientific Information) thuộc danh mục khoa học xã hội của Việt Nam đã dịch chuyển từ hạng 66 lên hạng 49 của thế giới. Tuy nhiên vẫn đứng sau ba nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong hơn 300 tạp chí khoa học, chưa có tạp chí khoa học lĩnh vực KHXH nào được xếp vào danh mục các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao với quốc tế.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ một số hạn chế như trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật trình bày bài học thuật quốc tế, do nhận thức chủ quan của nhà nghiên cứu, chưa có điều kiện giao lưu học thuật quốc tế, do chi phí thực hiện nghiên cứu còn thấp…
Cũng theo ông Đạt, đáng buồn hơn là nghịch lý này tồn tại ngay cả ở những đơn vị nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam,… Điều này ảnh hưởng lớn đến vị thế các đơn vị cũng như của Việt Nam với thế giới.
Một đại biểu chia sè ý kiến về vấn đề công bố quốc tế tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng chia sẻ, công bố quốc tế vừa đảm bảo cung cấp tri thức, giúp giới thiệu hình ảnh đất nước với thế giới, khu vực, tạo cơ sở cho thế giới hiểu biết Việt Nam nhiều hơn, giúp tăng cường hợp tác của Việt Nam với thế giới. Do đó, việc đầu tư và tăng các công bố quốc tế phải là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Đồng tình quan điểm này, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học ĐH KHXH&NV – ĐH quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng các nhà nghiên cứu cần xem đây là nhiệm vụ chính trị để nâng cao nhận thức và đầu tư đề tài hơn. Công bố khoa học thực ra là công đoạn cuối cùng trong một chuỗi các hoạt động nghiên cứu, là hoạt động quan trọng và cần thiết để khẳng định chất lượng chuyên môn và sự minh bạch khoa học.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác nghiên cứu lĩnh vực này. Các nhà hoạch định, các nhà khoa học hay các cơ sở đào tạo cũng cần thay đổi nhận thức về nghiên cứu, bỏ cách quản lý và đào tạo lạc hậu… để tăng số lượng công trình công bố quốc tế.