Cấm phá thai: Nên hay không?

Con số này được coi là giảm đáng kể nếu so với mức 45,5 triệu trường hợp phá thai vào năm 1995, trong khi dân số ở hầu hết các quốc gia vẫn tiếp tục tăng lên. Trong thời gian 10 năm khảo sát, đã có 19 nước nới lỏng hơn quy định của pháp luật về việc phá thai. Nhưng, cũng có 3 nước siết chặt thêm những điều luật liên quan đến vấn đề này. Và, dù xu hướng chung là tự do hơn, vẫn còn khoảng 40% phụ nữ trên thế giới phải sống trong cảnh bị hạn chế nghiêm ngặt.

Cấm phá thai: Nên hay không? ảnh 1

Biểu tình chống phá thai tại Tây Ban Nha

Số trường hợp phá thai giảm trong thập niên vừa qua, theo khảo sát, chủ yếu do ngày càng có nhiều người sử dụng các biện pháp tránh thai, nhất là thuốc tránh thai. Còn lại, việc phá thai không an toàn (chủ yếu là bất hợp pháp) hầu như vẫn không có gì thay đổi. Đặc biệt, hơn 90% phụ nữ ở Nam Mỹ và châu Phi, những người luôn phải sống với các quy định chống phá thai nghiêm ngặt thì tỷ lệ phá thai hầu như vẫn thế trong suốt hàng chục năm.

Hồi tháng 10-2009, lực lượng cánh hữu và tổ chức tôn giáo ở Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc biểu tình lớn, với sự tham gia của khoảng 1 triệu người, để phản đối dự luật do Chính phủ cánh tả (xã hội) của Thủ tướng Zapatero đề xướng với mục đích tạo một số điều kiện dễ dàng cho việc phá thai. Theo đó, nếu bào thai không quá 12 tuần tuổi, việc phá thai sẽ là quyền của phái nữ. Còn hiện tại, một phụ nữ mang thai 12 tuần chỉ được phép phá trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc bào thai, không giới hạn thời gian, có thể đe dọa đến sức khoẻ tinh thần hay thể xác của người mẹ.

Ước tính, đã có khoảng 40 hiệp hội, những tổ chức mệnh danh là ''Pro-vida'' (“Bảo vệ cuộc sống”) tham gia cuộc biểu tình. Và, đa số những người biểu tình là người Công giáo. Những người đi đầu cuộc tuần hành mang một tấm biểu ngữ khổng lồ với dòng chữ: “Cada vida importa”, nghĩa là “mọi cuộc sống đều quan trọng”. Đối với họ, phá thai là một hành động sát nhân, bất kể bào thai đã lớn hay còn nhỏ.

Một bà mẹ đông con khẳng định: “Điều chúng tôi không chấp nhận là việc phá thai, vốn đang là một hành động phạm pháp, một tội ác, lại có thể trở thành một cái quyền được luật pháp bảo vệ”. Một người biểu tình khác cũng bức xúc không kém: “Làm sao pháp luật lại có thể cho phép một cô gái 16 tuổi có quyền phá thai mà không cần được cha mẹ chấp thuận”. Được biết, trong năm 2008 tại Tây Ban Nha có tới 117.000 vụ phá thai, cao gấp đôi con số cách đó 10 năm.

Còn ở Trung Quốc, giới truyền thông cũng dẫn lại số liệu của các thống kê cho biết, có khoảng 13 triệu ca nạo phá thai mỗi năm ở nước này. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng vì theo các nhà nghiên cứu, thực tế có thể sẽ cao hơn bởi rất nhiều ca thực hiện tại các phòng khám/trạm xá không có đăng ký.

Tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) nhấn mạnh phụ nữ trẻ độc thân (và trong độ tuổi từ 20 - 29) là đối tượng phá thai nhiều nhất tại Trung Quốc. Ngoài ra, để thực hiện chính sách dân số, trong đó quy định, mỗi gia đình chỉ được phép đẻ 1 con mà Nhà nước ban hành từ những năm 70 của thế kỷ 20, nhiều người phụ nữ, khi đã có con theo chỉ tiêu, đành chấp nhận phá thai để không có con nữa.

Giới nghiên cứu nhận định việc nới lỏng hơn quy định về phá thai cũng là một biện pháp giúp người phụ nữ tiếp cận được với những cơ hội phá thai an toàn, điều góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng họ. Bởi vì, chính việc phá thai lén lút, thậm chí ngay cả khi phá thai hợp pháp tại những cơ sở không có đầy đủ trang thiết bị và chi phí cao cũng là những rào cản đối với thai phụ. Chẳng hạn như, tại Ấn Độ, dù phá thai là hành vi hợp pháp, vì nhiều lý do, vẫn có khoảng 6 triệu ca phá thai được thực hiện bên ngoài hệ thống y tế Nhà nước.

Mỗi năm có khoảng 70.000 phụ nữ chết vì phá thai không an toàn, đẩy 250.000 trẻ em vào hoàn cảnh mồ côi mẹ. Ngoài ra, khoảng 5 triệu phụ nữ cũng đã gặp phải các biến chứng sau phá thai.

Theo MINH TUẤN (Báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm