Theo Đông y, đu đủ có tên là phan qua thụ, tính hàn, vị ngọt mùi hơi hắc. Tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc, tiêu thũng.
Đu đủ chín được coi là món ăn bồi bổ và giúp tiêu hóa các chất thịt, các chất lòng trắng trứng.
Quả đu đủ xanh được sử dụng để nghiền nát với nước bôi bên ngoài chữa các vết tàn nhang ở mặt, tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema...
Nhựa đu đủ dùng làm thuốc tẩy giun nhưng cần chú ý tránh nguy hiểm đối với trẻ em và người loét dạ dày.
Hoa đu đủ đực tươi hoặc khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm phế quản, mất tiếng.
Lá đu đủ dùng gói những thịt gà cứng để khi nấu nhanh mềm.
Nước sắc lá đu đủ dùng giặt những vết máu trên vải và quần áo hoặc để rửa các vết thương, vết lở loét, có thể vì công dụng tiêu mụn nhọt đó mà dân gian ta đồn thổi để rồi đổ xô đi tìm lá đu đủ để chữa bệnh ung thư.
Trong Đông y cũng có chứng ung thư, tuy nhiên theo mô tả của sách Linh khu (cách đây hơn 4.000 năm) thì chứng này được mô tả về mặt triệu chứng tương tự các sang thương là áp xe, vết thương lở loét chảy mủ, hoàn toàn không phải là bệnh ung thư (cancer) trong Tây y.
Từng có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng lá đu đủ có chứa chất papain có khả năng thủy phân chất đạm, trung hòa các độc tố, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự phát triển của khối u... Tuy nhiên chỉ là nghiên cứu trên thực nghiệm, còn thực sự trên cơ thể người bệnh như thế nào thì chưa có kết quả.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cũng đã thí nghiệm dùng nước sắc lá đu đủ cho bệnh nhân ung thư phổi khi chưa có nhiều thuốc điều trị. Tuy nhiên cũng không có kết quả. Bệnh ung thư phổi phát triển rất nhanh, có khi chỉ 3 - 6 tháng bệnh nhân đã tử vong.
Do vậy rất khó có thể nói lá đu đủ chữa khỏi được ung thư vì trên thực tế chưa có kết quả nghiên cứu nào trên cơ thể người.
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, Viện Dược liệu và Hội Đông y Việt Nam có đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu đủ đã được triển khai cách đây mấy năm nhưng đều thất bại.
Đến thời điểm này, chúng ta chưa có công bố chính thức nào. Hiệu quả của nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu không chính thức được công bố lẻ tẻ.
Điều nguy hiểm là một số bệnh nhân khi mắc ung thư ở giai đoạn sớm đã không điều trị tích cực bằng Tây y mà chuyển sang Đông y, đến khi quay lại bệnh viện thì bệnh đã tiến triển qua giai đoạn muộn, không còn cơ hội điều trị nữa.
Vậy khi mắc bệnh ung thư có thể dùng Đông y để chữa hay không? Câu trả lời là có, nhưng ở giai đoạn thích hợp.
Khi phát hiện mắc ung thư bệnh nhân cần được khám và điều trị bằng Tây y trước, sau đó dùng Đông y để nâng thể lực, giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, sẽ góp phần kéo dài thêm tuổi thọ bệnh nhân.