1 công dân được xác định không phạm tội sau 10 năm bị oan

(PLO)- VKSND tỉnh An Giang đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Tấn Khoa, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Tấn Khoa bị khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", do xét thấy hành vi không cấu thành tội phạm, theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đây là vụ án "Chậm trả nợ, bị xử 15 năm tù" gây nhiều tranh cãi sau khi CQĐT khởi tố bị can vì có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.

đình chỉ vụ án
Bị cáo Nguyễn Tấn Khoa (phải) đang trao đổi với luật sư tại phiên tòa. Ảnh: LỆ TRINH

Là người đồng hành, hỗ trợ pháp lý cho ông Khoa suốt 10 năm nay, LS Trần Cao Đại Kỳ Quân cho biết, lẽ ra việc đình chỉ phải đến sớm hơn, rõ ràng những vẫn đề trong vụ án này chỉ là quan hệ dân sự. Ông Khoa suốt gần mười năm mang thân phận bị can, bị cáo, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình và những dự định còn dang dở.

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 8-2013, ông Khoa cần tiền thu mua lúa nếp nên đã vay của ba bị hại tổng cộng 10,7 tỉ đồng, lãi suất từ 2,5%-3%/tháng. Ngày 17-12-2013, ông Khoa bán hết số nếp trong kho được hơn 4,3 tỉ đồng. Khi nhận được tiền, ông không trả cho ba người bị hại mà lại đem trả nợ người khác và trả nợ ngân hàng, lấy sổ đỏ về sang cho con trai đứng tên. Còn lại 1,25 tỉ đồng, ông Khoa gửi ngân hàng (số tiền này sau đó đã được chia cho ba bị hại nhằm giúp bị cáo khắc phục hậu quả).

Ông Khoa lập một hợp đồng mua bán giả, theo đó ông có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng cho một người tên Trí nhưng người này chưa thanh toán tiền.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ sự việc, nêu lý do làm ăn thua lỗ nên chậm trả nợ và thừa nhận mình có lỗi lớn khi chậm trễ thanh toán cho các chủ nợ.

Ông Khoa khai đầu năm 2013, ông D., một chủ nợ, yêu cầu ông phải trả cả vốn lẫn lãi trong một lần. Vì quá đột xuất không kịp xoay xở nên ông phải lập hợp đồng mua bán giả để xin thêm thời gian giãn nợ.

Lúc bán số nếp cuối cùng, vì còn nhiều khoản nợ khác và cả nợ ngân hàng nên ông quyết định trả các khoản cấp bách trước. Còn 1,25 tỉ đồng ông mang đến trả cho ông D. nhưng ông này đòi trả đủ một lần mới nhận. Cuối cùng, ông đã thế chấp một số tài sản của mình cho ông D. gồm một nhà kho 815 m2, một nhà kho 400 m2, 1.700 m2 đất thổ cư.

Ông D. cũng đồng ý nhận thế chấp để giãn thời gian trả nợ cho ông Khoa. Hai bên thống nhất lập biên nhận. Tuy nhiên, sau đó ông D. bất ngờ quay lại tố cáo ông Khoa đến cơ quan chức năng. Giữa năm 2014, ông Khoa bị khởi tố bị can.

Năm 2015, ông Khoa bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 15 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tháng 5-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên huỷ án để điều tra, xét xử lại với nhận định cơ quan điều tra cũng như tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định thiếu tư cách người bị hại…

Tháng 6-2017, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lần hai, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tình tiết quan trọng mà CQĐT không phát hiện

Điều đáng chú ý trong vụ án này là hành vi gian dối để giãn nợ của bị cáo Khoa không phải đến khi CQĐT khởi tố mới bị phát hiện. Trước đó, bị cáo đã “tự thú” với người bị hại, đồng thời dùng tài sản của mình để thế chấp, bảo đảm cho khoản tiền vay và được ông Dũng đồng ý (ông Khoa xin ông D được thế chấp các tài sản gồm một nhà kho 815 m2, một nhà kho 400 m2, 1.700 m2 đất trồng mai có 1.500 cây mai và 117 m2 đất thổ cư). Đem tài sản ra thế chấp như thế thì làm sao bảo người ta có ý định chiếm đoạt tiền vay!?

Không hiểu sao khi nhận được đơn tố cáo của ông D, CQĐT không xác minh tình tiết quan trọng này mà đã vội tin vào lời trình bày của ông D. Lẽ ra khi nhận được đơn tố cáo của ông D, CQĐT nên giải thích và hướng dẫn ông D gửi đơn khởi kiện đến tòa án để giải quyết. Đằng này CQĐT lại khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Khoa.

Tại phiên tòa ông D cũng thừa nhận: “Tôi chưa từng đòi nợ ông Khoa lần nào, tôi chỉ kiện buộc ông Khoa phải trả nợ”. Đáng tiếc là không chỉ có CQĐT mà cả VKS và tòa án cũng cho rằng hành vi của ông Khoa phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, trong quan hệ vay mượn, không ít trường hợp người vay nói dối với người cho vay để họ tin là chưa có tiền nên chưa trả được hoặc sắp có tiền.

Nếu cứ có nói dối hay có hành vi gian dối để giãn nợ mà đã cho rằng người vay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì có lẽ hàng vạn người phải vào tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm