Ngày 28-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm lưu động vụ cựu luật sư Nguyễn Thanh Tài bị tòa sơ thẩm phạt 15 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Vụ án có kháng cáo của bị cáo yêu cầu xem xét lại điều khoản áp dụng và xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tài tại tòa ngày 28-11. Ảnh: NN
Theo tòa, đây là lần triệu tập xét xử phúc thẩm lần thứ ba, bị cáo từ chối luật sư chỉ định bảo vệ cho mình.
Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX nhận định căn cứ vào lời khai bị cáo và bị hại, tòa xác định bị cáo chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng là có lợi cho bị cáo. Việc bị cáo cho rằng chỉ chiếm đoạt 300 triệu đồng để yêu cầu chuyển xuống khoản 2 của khung hình phạt về tội lừa đảo là không có căn cứ nên tòa bác kháng cáo về phần này.
Về tội làm giả con dấu, tài liệu, tòa cho rằng do bị cáo phạm tội lừa đảo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Tòa sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 341 BLHS năm 2015 có khung hình phạt 3-7 năm tù cũng là có lợi cho bị cáo.
Từ đó tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ y bản án sơ thẩm, phạt bị cáo 15 năm tù về hai tội như trên.
Theo hồ sơ, Tài từng là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ nhưng bị kỷ luật xóa tên vào năm 2013 do vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Theo cáo trạng, năm 2014, Tài và vợ cũ là chủ sở hữu căn nhà gắn liền với đất ở tại quận Ninh Kiều đã mang thế chấp rồi chuyển nhượng cho người khác. Sau đó, Tài thuê lại căn nhà này để ở.
Khoảng tháng 5-2016, do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, Tài nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Tài lên mạng tìm người làm giả giấy chứng nhận đối với nhà, đất đã bán nêu trên.
Sau khi có giấy chứng nhận giả, Tài mang thế chấp cho bà P. bằng hình thức ký chuyển nhượng để vay 300 triệu đồng. Theo nội dung thỏa thuận, Tài trả lãi 3% và vay trong ba tháng.
Do không có tiền đóng lãi và sợ bà P. làm thủ tục sang tên sẽ phát hiện giấy tờ trên là giả, Tài thỏa thuận chuyển nhượng lại cho bạn thân của mình là anh T. để vay 700 triệu đồng. Anh T. đã mang căn nhà mình đang ở thế chấp cho ngân hàng để vay tiền đưa cho Tài.
Nhận tiền của anh T., Tài đã mang trả cho bà P. 300 triệu đồng để nhận lại giấy tờ giả rồi đưa lại cho anh T.
Theo cáo trạng, tổng cộng anh T. đã đưa cho Tài 700 triệu đồng, Tài trả lãi được 23 triệu đồng rồi im luôn. Anh T. liên lạc với Tài nhiều lần không được mới đi làm thủ tục sang tên căn nhà mà Tài ký chuyển nhượng cho mình. Tuy nhiên, khi mang giấy tờ đến cơ quan đăng ký đất đai, anh T. mới biết giấy chứng nhận của Tài là giả nên trình báo công an.
Quá trình điều tra, gia đình Tài đã đưa cho anh T. hơn 176 triệu đồng để khắc phục hậu quả.