Bộ Tài chính vừa có Công văn số 3336/2018 báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sau khi nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó có 14 ý kiến tham gia của bộ, ngành; 42 ý kiến của các địa phương; 4 ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.
Theo Bộ Tài chính, đối với xăng dầu, mỡ nhờn, tại dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến về việc điều chỉnh mức thuế BVMT xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn tăng 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn tăng 900 đồng, lên 2.000 đồng/lít. Điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với dầu hỏa từ 200 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Có ý kiến đề nghị cần có lộ trình tăng thuế BVMT đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân. Tuy nhiên,Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng tăng 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít là đảm bảo trong khung mức thuế BVMT và phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT.
Với phương án điều chỉnh trên dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2018, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế BVMT sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7-2018 (so với tháng 6-2018) khoảng 0,27%-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân cả năm 2018 là khoảng 0,11%-0,15%
“Tuy nhiên, việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.
Theo Bộ Tài chính, đã số các ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo, có vài ý kiến đề nghị chỉ điều chỉnh thuế BVMT với dầu mazut từ 900 đồng/lít lên 1.200-1.500 đồng/lít để không ảnh hưởng đến giá thành các sản phẩm sử dụng nhiên liện này, vì mazut là nhiên liệu của nhà máy điện, DN sản xuất kính, gốm sứ…
Tuy nhiên Bộ Tài chính có ý kiến dầu mazut là loại chất đốt gây ô nhiễm môi trường nên hạn chế sử dụng nên đề nghị giữ nguyên mức đề xuất tăng trong dự thảo là lên mức 2.000 đồng/lít.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, người dân lãnh đủ.
Bộ Tài chính cũng từng lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh. Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia nhận định việc tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ.
Mặt khác lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của VN thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục. Hơn nữa, giá xăng dầu cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải gánh khoảng 7.000 đồng tiền thuế.
Do đó, thay vì tăng thuế, Bộ Tài chính phải chống thất thu, mở rộng cơ sở thu và đặc biệt đưa ra các giải pháp thắt chặt chi tiêu, đảm bảo chi tiêu hợp lý, chống lãng phí, thất thoát, tiết kiệm từng đồng thuế của dân.