1 người lao động thắng kiện công ty

Mới đây, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là ông T. và bị đơn là Công ty CP Đầu tư xây dựng số 10 IDICO (gọi tắt công ty).
Kiện vì bị công ty chấm dứt HĐLĐ
Theo đơn khởi kiện vào năm 2015, ông T. vào làm việc tại một xí nghiệp thuộc công ty từ tháng 4-1990. Sau đó, công ty cho ông đi học trung cấp xây dựng. Ra trường, ông về làm cán bộ kỹ thuật và có ký HĐLĐ không xác định thời hạn tại một xí nghiệp khác thuộc công ty từ năm 1993.
Trong thời gian lao động tại công ty, ông T. luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và được bổ nhiệm chức vụ đội trưởng đội xây dựng tại một công trường xây dựng ở Cà Mau. Khi công trình này hoàn thành, ông được công ty giao phụ trách công tác kỹ thuật thi công tại công trình khác. 
Đến cuối năm 2011, công ty thông báo yêu cầu ông T. phải kiểm điểm do không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông có kiểm điểm nhìn nhận thiếu sót, làm ảnh hưởng đến công tác thi công công trình trên. Ba ngày sau, ông xin nghỉ tự túc để giải quyết công việc gia đình trong ba tháng. 

Ảnh minh họa

Hết thời gian nghỉ, ông đến công ty làm việc nhưng công ty không giao việc cho ông và yêu cầu ông phải tự đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là tiền bảo hiểm) cho bộ phận kế toán của công ty. Ông nộp tiền bảo hiểm trong hai năm liền từ đầu năm 2012 đến hết năm 2013.
Cuối năm 2013, công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông theo khoản 3 Điều 36 BLLĐ. Ông không đồng ý vì ông không có thỏa thuận với công ty chấm dứt HĐLĐ. Sau một năm thì công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông, yêu cầu ông bàn giao công việc, thanh toán công nợ và giải quyết cho ông hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp.
Sau đó, ông T. gửi khiếu nại đến công ty, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH và đã được trả lời. Ông tiếp tục khiếu nại lần hai thì Thanh tra Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn ông khởi kiện ra tòa. Do đó, ông khởi kiện yêu cầu công ty chi trả tiền lương gần ba năm, bồi thường sáu tháng tiền lương, hoàn trả tiền bảo hiểm, tổng cộng hơn 180 triệu đồng. Đồng thời, ông yêu cầu công ty hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ và phải nhận ông trở lại làm việc.
Đại diện bị đơn cho rằng công ty chỉ chấp nhận hoàn trả tiền bảo hiểm xã hội do nguyên đơn tự nguyện đóng trong một năm với số tiền hơn 23 triệu đồng. Công ty chấm dứt HĐLĐ với nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật và không chấp nhận các yêu cầu còn lại của ông T.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T. yêu cầu công ty phải trả cho ông tiền lương và bảo hiểm đến ngày tòa xét xử là 72 tháng và rút yêu cầu công ty nhận ông trở lại làm việc.

Tòa: Bị đơn đơn phương chấm dứt HĐLĐ sai

Sau khi xét xử, TAND quận Ninh Kiều nhận định ông T. không vi phạm quy định (thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ) nhưng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông T. là không phù hợp. Theo tòa, ông T. ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty, nếu công ty muốn chấm dứt HĐLĐ với người lao động thì ít nhất 45 ngày kể từ ngày thông báo phải ra quyết định chấm dứt HĐLĐ.
“Công ty ra thông báo vào tháng 11-2013 nhưng đến tháng 11-2014, tức gần một năm mới ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông T. là vi phạm về mặt thời gian” - HĐXX nhận định.
Cạnh đó, tòa cho rằng công ty căn cứ khoản 3 Điều 36 BLLĐ ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông T. cũng không đúng vì công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ khi chưa có thỏa thuận với ông T. Ông T. không có thỏa thuận với công ty về vấn đề nghỉ việc nên công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông là trái quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo tòa, sau ba tháng nghỉ tự túc, ông T. xin nghỉ tiếp để giải quyết việc riêng nhưng công ty không đồng ý và cũng không phân công công việc, ngược lại còn ra thông báo và quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông T. là trái quy định tại Điều 41 BLLĐ. Do đó, quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ là không hợp pháp, phải hủy bỏ. Vì vậy, công ty phải nhận ông T. trở lại làm việc và phục hồi các chế độ, chính sách tiền lương và bảo hiểm cho ông T. theo quy định.
Theo đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T., hủy quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Buộc công ty phải chi trả cho ông T. tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, gồm các khoản như bồi thường bốn tháng lương, tiền lương trong hơn 104 tháng, trợ cấp thôi việc… 
Được biết sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, phía bị đơn đã có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

 Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ 

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn (...) mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn...

(Trích Điều 38 BLLĐ 2012)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm