TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ án tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có nội dung khá lạ. Nguyên đơn là ông Bùi Văn Lương (người lao động - NLĐ) và bị đơn là Công ty TNHH Theodore Alexender HCM (trụ sở ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Bị sa thải, kiện đòi 364 triệu đồng
Theo đơn khởi kiện, năm 2004 ông Lương bắt đầu làm việc và ký hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty Theodore Alexender HCM. Công việc của ông Lương là giám sát phòng mua hàng, mức lương thỏa thuận là 16,9 triệu đồng. Trong quá trình làm việc gần 15 năm, ông Lương không vi phạm nội quy và không bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào.
Đến ngày 19-12-2018, ông Lương nhận được quyết định tạm đình chỉ công việc để điều tra việc mẫu mã sản phẩm của công ty bị rao bán cho người khác. Trong thời gian này, công ty không thanh toán tiền lương và tiền thưởng tháng 13 theo quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, ngày 15-3-2019, ông Lương nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng lao động, yêu cầu công ty thanh toán tiền lương và tiền thưởng tháng 13, tổng số tiền là 60,4 triệu đồng.
Ngày 23-3-2019, công ty có quyết định cấm ông Lương vào công ty làm việc. Sau đó, công ty gửi thư mời ông Lương đến trụ sở công ty để xử lý kỷ luật lao động. Ngày 29-3-2019, tại phiên họp xử lý kỷ luật, đại diện công ty tuyên bố sa thải ông Lương.
Đến nay, ông Lương vẫn chưa nhận được quyết định sa thải. Do đó ông Lương khởi kiện bổ sung, yêu cầu tòa án giải quyết ba yêu cầu.
Thứ nhất, tuyên bố hủy quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với ông vì trái pháp luật. Thứ hai, buộc công ty phải thanh toán các khoản tiền lương, trợ cấp thôi việc, bồi thường…, tổng cộng là 364,6 triệu đồng. Thứ ba, buộc công ty phải truy đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho ông.
Công ty phản tố đòi bồi thường 4,9 tỉ đồng
Về phía công ty, đại diện đơn vị này xác nhận có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Lương.
Theo công ty, ông Lương có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy lao động. Do đó, công ty đã ra quyết định sa thải ông Lương. Ngày 11-7-2019, công ty có yêu cầu phản tố đòi ông Lương bồi thường 4,9 tỉ đồng, căn cứ vào hợp đồng mà công ty đã ký với đối tác.
Lý giải điều này, công ty cho rằng ông Lương đã có hành vi tham gia giao dịch, bán cho nhiều người khác những mẫu mã độc quyền mà công ty gia công, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Về chứng cứ, công ty đã nộp năm tập tài liệu in từ thư điện tử mà công ty cho rằng ông Lương đã gửi để chào giá cho một người khác, cùng với đó công ty cũng nộp đoạn ghi hình mà công ty cho rằng ông Lương đã thực hiện.
Người lao động thắng kiện
Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy quyết định kỷ luật sa thải lao động. Đồng thời, tòa án cũng tuyên buộc công ty phải trả cho ông Lương 322,3 triệu đồng và truy thu việc đóng bảo hiểm cho nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố buộc ông Lương phải bồi thường 4,9 tỉ đồng. Lập luận, đại diện bị đơn cho rằng số tiền này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không phải là bồi thường vật chất giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Công ty xác định đã tạm đình chỉ và không cho ông Lương vào công ty làm việc. Do đó, công ty đồng ý trả số tiền nợ lương.
Trái lại, đại diện nguyên đơn chỉ ra những sai sót, trái pháp luật của công ty khi xử lý sa thải NLĐ. Cụ thể là công ty không chứng minh được lỗi và hành vi vi phạm pháp luật của NLĐ.
Sau khi nghe hai bên trình bày, HĐXX TAND quận Thủ Đức xét thấy bị đơn đã xử lý kỷ luật hình thức sa thải NLĐ là sai trình tự, thủ tục. Việc bị đơn ban hành quyết định xử lý kỷ luật không đảm bảo tính pháp lý đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Mặt khác, bị đơn phản tố đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không chứng minh được thiệt hại thực tế và lỗi của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Không đồng ý với quyết định của tòa sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo bản án. Quá trình xét xử, cả hai bên đã thỏa thuận và được HĐXX TAND TP.HCM ghi nhận, tuyên buộc công ty phải bồi thường cho nguyên đơn 200 triệu đồng cùng một số quyền lợi khác.
Tòa phúc thẩm ghi nhận sự thỏa thuận của đôi bên Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, hai bên đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Theo thỏa thuận, bị đơn đồng ý bồi thường cho nguyên đơn 200 triệu đồng, trả các chế độ về bảo hiểm và đóng án phí. Về phía nguyên đơn cũng đồng ý không trở lại công ty làm việc. Trên cơ sở này, HĐXX TAND TP.HCM nhận định việc thỏa thuận của hai bên là tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Từ đó, tòa tuyên sửa án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của hai bên. |