1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ bốn nhóm: Chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
4. Nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn.
5. Cần ăn rau quả hằng ngày.
6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.
7. Uống đủ nước sạch hằng ngày.
8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
9. Trẻ sau sáu tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn uống đồ ngọt.
Theo Bộ Y tế, 10 lời khuyên này là cơ sở để các đơn vị trong ngành y tế phục vụ cho công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý trong nhân dân.
Trước đó, tháng 2-2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu chung là đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
+ Giảm tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống còn 15% vào năm 2015 và dưới 12% vào năm 2020. + Giảm tỉ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 g) xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020. + Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020. + Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới năm tuổi xuống 15% vào năm 2015 và giảm xuống 12,5% vào năm 2020. + Đến năm 2020, chiều cao của trẻ năm tuổi tăng 1,5-2 cm cho cả trẻ trai và gái; chiều cao của thanh niên theo giới tăng 1-1,5 cm so với năm 2010. + Khống chế tỉ lệ béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn vào năm 2015 và tiếp tục duy trì đến năm 2020… (Trích Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 |
DUY TÍNH