10 sự kiện thể thao Việt Nam 2017

2017 là năm có Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29 với dấu ấn nhiều môn thể thao Olympic có giá trị của thể thao Việt Nam (TTVN). Đó cũng là năm bóng đá có vui buồn lẫn lộn, bao gồm cả niềm tự hào lẫn hổ thẹn.

1. U-20 Việt Nam dự World Cup và có điểm đầu tiên

Vào bán kết giải U-19 châu Á, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đạt được kỳ tích bóng đá trẻ khi lần đầu trong lịch sử giành vé tham dự U-20 thế giới FIFA World Cup. Nằm ở bảng E cùng với các đối thủ Pháp, New Zealand và Honduras, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã có 1 điểm trong trận ra quân gặp U-20 New Zealand và là đội Đông Nam Á đầu tiên giành được điểm khi tham dự sân chơi World Cup.

2. SEA Games 29 và những đột phá ở các nội dung Olympic

Dù giờ chót bị rơi ra khỏi tốp 3 (do VĐV chủ nhà bị doping nên ban tổ chức sắp xếp lại và TTVN từ vị trí thứ ba toàn đoàn xuống thứ tư). Tuy nhiên, đó lại là kỳ SEA Games thành công nhất và ý nghĩa nhất của TTVN bởi giá trị của nhiều nội dung trong hệ thống thi đấu Olympic, đặc biệt là điền kinh, bơi, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm… Nổi bật nhất là điền kinh, mang về nhiều HCV nhất cho TTVN với 17 HCV.

Điền kinh Việt Nam góp phần cùng thể thao Việt Nam đột phá ở các môn Olympic tại SEA Games 29. Ảnh: HUY PHẠM

3. Chức vô địch đầy thuyết phục của bóng đá nữ Việt Nam

Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã vượt qua tất cả đối thủ quan trọng, trong đó đè bẹp cả Myanmar lẫn Thái Lan, để lên ngôi vô địch tuyệt đối một cách đầy thuyết phục, xứng đáng là “nữ hoàng” Đông Nam Á.

4. U-22 Việt Nam mơ vàng nhưng bị loại từ vòng bảng SEA Games

Chưa bao giờ bóng đá nam được kỳ vọng ở SEA Games với lứa cầu thủ trẻ được đầu tư tốt nhưng kết quả lại đi ngược với mong đợi. Sau ba chiến thắng như chẻ tre, hai trận cuối vòng bảng gặp U-22 Indonesia và U-22 Thái Lan, U-22 Việt Nam chỉ thu hoạch được 1 điểm và bị loại. Đau nhất là trong trận cuối với Thái Lan, chỉ cần 1 điểm là vào bán kết và loại Thái Lan nhưng thầy trò HLV Hữu Thắng lại thua toàn diện và trắng tay ra về, bóp nát biết bao giấc mơ.

5. Dấu ấn đoàn thể thao khuyết tật

Thể thao khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games lần thứ chín đã giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ; xếp vị trí thứ tư toàn đoàn nhưng đã phá 10 kỷ lục, trong đó có hai kỷ lục châu Á ở môn cử tạ. Riêng đội tuyển điền kinh thu hoạch đến 17 HCV, còn bơi thì 15 HCV.

6. Các đội tuyển bóng đá Việt Nam cùng lọt vào vòng chung kết châu Á

Nếu đội tuyển Việt Nam lấy vé dự vòng chung kết Asian Cup với thành tích lần đầu tiên vượt qua được vòng loại thì các đội U-16, U-19, U-23, đội tuyển nữ, đội tuyển Futsal giành vé dự vòng chung kết châu Á, mở ra kỷ lục của bóng đá Việt Nam.

7. Thạch Kim Tuấn giành 3 HCV giải vô địch cử tạ thế giới

Tại giải cử tạ vô địch thế giới 2017 diễn ra tại Mỹ, Thạch Kim Tuấn đã chinh phục mức tạ 126 kg ở nội dung cử giật, 153 kg ở nội dung cử đẩy. Với tổng cử là 279 kg, võ sĩ này đoạt 3 HCV thế giới. Trước đó Thạch Kim Tuấn còn gặt hái HCV AIMAG 5 - 2017 và SEA Games 29.

Thạch Kim Tuấn giành 3 HCV thế giới. Ảnh: HUY PHẠM

8. Hàng loạt doanh nhân đồng loạt rút khỏi VFF, VPF

Mở đầu là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức xin rút lui khỏi VFF sau thất bại của U-22 Việt Nam tại SEA Games 29. Tiếp theo, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Võ Quốc Thắng cũng xin thôi không gánh vác công việc ở VPF nữa. Sau đó, Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng và Phó Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn cũng xin rút lui để êkíp mới được gồng gánh.

Sau bầu Đức, đến doanh nhân Võ Quốc Thắng và Cao Văn Chóng rời VPF. Ảnh: XUÂN HUY

9. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “bắt bệnh” bóng đá Việt Nam

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã không đồng tình với những báo cáo thành tích suông, nặng hình thức của ngành thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Thay vào đó, Phó Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi và chỉ ra “bệnh” cùng những tiêu cực mà bóng đá Việt Nam cần nhìn ra để khắc phục.

10. Toyota rút lui, không tài trợ cho bóng đá Việt Nam

Sau ba mùa liên tục Toyota tài trợ chính cho giải V-League nhưng đến cuối mùa bóng 2017 thì đơn vị này chấm dứt không tài trợ cho bóng đá Việt Nam nữa. Đáng chú ý là bỏ bóng đá Việt Nam nhưng Toyota vẫn duy trì tài trợ cho bóng đá Thái Lan với giá trị cao gấp 4-5 lần từng tài trợ cho bóng đá Việt Nam. 

2018, thể thao Việt Nam hướng đến trận đánh lớn tại Asian Games

Đáng chú ý nhất của TTVN năm 2018 là Asian Games 2018 với chỉ tiêu có được 2-3 HCV của đoàn TTVN tại Asian Games 2018. Đây là một chỉ tiêu được phân tích là khó so với mặt bằng chung của thể thao châu Á ở sân chơi lớn này.

Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm bóng đá Việt Nam dự AFF Cup và sân chơi này được xem là thực tế hơn so với tất cả sân chơi của bóng đá Việt Nam ở những vòng chung kết châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới