Chiều 23-11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức diễn ra tại TP.HCM. Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỉ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1.050 tỉ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020 - 2021. Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A của Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD giảm so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: QH) |
Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỉ USD), bất động sản (gần 1 tỉ USD), công nghiệp (800 triệu USD).
Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tiếp nối các chương trình, kế hoạch lớn trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…. Qua đó nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
“Cùng với các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách, nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước”- Thứ trưởng Phương nói.
Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức vinh danh 10 thương vụ Đầu tư & M&A tiêu biểu năm 2021- 2022 gồm:
1- Ngân hàng UOB (Singapore) mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại VN.
2- Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 49% cổ phần VPBank tại FE Credit.
3- Thương vụ trị giá 280 triệu USD - Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage.
4- Thaco mua lại siêu thị E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam.
5- CVC Capital Partners mua 60% cổ phần Phương Châu Group (chủ đầu tư chuỗi Bệnh viện Quốc tế Phương Châu ở Cần Thơ, Sa Đéc- Đồng Tháp và Sóc Trăng).
6- Tập đoàn Shinhan (Hàn Quốc) mua 10% Tiki Global, trị giá 88 triệu USD, trở thành cổ đông chiến lược của Tiki Global và gián tiếp nắm giữ vốn trong trong Công ty TNHH TiKi.
7- Thương vụ Hợp nhất CTCP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh (DTE), Công ty B.Grimm Power Public Company Limited (B.Grimm - Thái Lan) và Xuân Cầu Group trong Dự án Dầu Tiếng Tây Ninh 1.
8- Thương vụ CTCP Phát triển và Thương mại Bình Dương (TDC) chuyển nhượng dự án Nhà ở thương mại Ngân Hà (Uni Galaxy) cho Gamuda Land (HCMC) của Malaysia. Thương vụ trị giá 53,8 triệu USD.
9- Thương vụ Novaland nhận 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu.
10- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hết phần vốn Nhà nước tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC).
Trong năm 2022, các thương vụ M&A trong lĩnh vực tiêu dùng vẫn dẫn dầu về giá trị, lĩnh vực này thu hút dòng vốn đầu tư tới 1,2 tỉ USD. Ảnh: QH |
Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021- 2022 được trao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan. Trong năm 2021- 2022, Tập đoàn Masan thực hiện hơn 10 thương vụ đầu tư và M&A.