Nhiều giải pháp công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường xuất khẩu được chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến: Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm do Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 907 (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 28-2.
Mở hướng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia
Góp ý để thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng cơ quan nhà nước cần tạo hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn. Còn doanh nghiệp tư nhân về công nghệ số và phần mềm sẽ cập nhật nhanh hơn và hiểu rõ hơn nhu cầu thực tế của thị trường.
“Nếu cơ quan nhà nước không sẵn sàng mở hướng để doanh nghiệp tư nhân tham gia trong lĩnh vực số hóa thì tôi khẳng định quá trình này sẽ rất lâu, rất trễ và rất xa so với thực tế” - bà Thực nói.
Theo bà Thực, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm vừa hữu ích với người sản xuất vừa bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho nhà cung cấp.
Lấy dẫn chứng, một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mới thành lập đã ứng dụng các công nghệ số, truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Vườn sầu riêng của HTX ấy là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng.
Các chuyên gia góp ý cơ quan nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ số hóa trong truy xuất nguồn gốc kèm quy định chế tài. |
Xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Để có thể thúc đẩy được sự phát triển trong triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhiều ý kiến cho rằng cần giải pháp bằng công nghệ hiện đại.
Ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ, đã có những chia sẻ về kỹ thuật đồng vị bền trong truy xuất nguồn gốc.
Đây là kỹ thuật ưu việt đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như môi trường, khí hậu, nông nghiệp, địa chất, thực phẩm, y sinh… Tỉ lệ các đồng vị bền sẽ cung cấp thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, đặc tính.
Nhờ kỹ thuật hiện đại về truy xuất nguồn gốc mà công ty Hoàn Vũ kiểm định 2.700 lô thanh long/năm vào thị trường EU, kiểm định 50.000 tấn mật ong xuất khẩu vào thị trường Mỹ mỗi năm và 100% hàng không bị trả lại do đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt về kháng sinh và hóa chất của nước nhập khẩu.
Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với tám hệ thống truy xuất nguồn gốc của tám tỉnh, thành phố và có hơn 3.900 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của gần 17.000 sản phẩm nông sản thực phẩm.
Tuy nhiên, theo đại diện trung tâm, hiện nay để triển khai và áp dụng được truy xuất nguồn gốc chưa thật sự phát triển ổn định vì cần nguồn đầu tư kinh phí rất lớn.
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó áp dụng các công nghệ hiện đại để theo dõi, giám sát tự động nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong việc thu thập, cập nhật các thông tin vào hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Đại diện trung tâm này kiến nghị, truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung với nhau.