Theo dự thảo Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.HCM (thực hiện 2015-2020) do Bộ NN&PTNT đề ra thì rau, thịt đưa về tiêu thụ tại TP.HCM phải đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Để triển khai, Sở NN&PTNT TP.HCM phải ký thỏa thuận hợp tác với Sở NN&PTNT các tỉnh/thành có sản phẩm rau, thịt đưa về tiêu thụ tại TP.HCM. Điều này liệu có giúp cho việc kiểm tra giám sát thực phẩm theo chuỗi đạt hiệu quả hơn không?
Tỉ lệ nhiễm các chất cấm giảm
Đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết trước khi có dự thảo, TP.HCM đã chủ động đứng ra liên kết các tỉnh cung cấp nguồn hàng về TP bước đầu đã đạt kết quả. Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được kiểm tra từ gốc. Hàng về các chợ cũng được giám sát từ ban quản lý chợ. Qua báo cáo, hằng năm tỉ lệ nhiễm các chất cấm trong rau, thịt, thủy hải sản giảm hơn các năm trước. Điều này cho thấy tiểu thương cũng ý thức được nguồn hàng nhập.
Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn thông tin hiện nay gần 100% hộ kinh doanh chợ này được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt 100% thịt heo nhập chợ đã qua kiểm tra của thú y. Bên cạnh đó ban quản lý chợ kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành lập tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Năm 2014 lấy 1.800 mẫu rau, không có mẫu nào vượt mức dư lượng cho phép.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết hàng hóa được quản lý từ gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bán ở chợ có trách nhiệm về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa khi đưa vào chợ. Họ ghi chép sổ sách việc mua hàng ở đâu, giá cả… Ban quản lý chợ đã kiểm tra được nguồn gốc hàng hóa qua những người kinh doanh.
Doanh nghiệp là đối tượng quản lý chất lượng nguồn gốc xuất xứ tốt nhất nên cần thiết có sự tham gia của họ. Ảnh: TÚ UYÊN
Khó kiểm tra, giám sát
Ngoài một số kết quả đạt được trong đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chất lượng rau củ thì một số nơi còn gặp khó khăn.
Theo bà Hà, chợ đầu mối chỉ có chức năng kinh doanh. Với hàng trăm mặt hàng mỗi đêm chỉ lấy ngẫu nhiên vài chục mẫu để kiểm tra, không thể kiểm soát 100% được. Do đó cần phải quản lý từ gốc, từ các địa phương, khi hàng hóa xuất ra khỏi tỉnh mình địa phương đó phải biết xuất xứ hàng hóa từ đâu…
Còn Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết từ những năm 2012-2013 Sở Công Thương Đồng Nai và TP.HCM, các chợ đầu mối, thương lái đã ngồi lại với nhau, ký kết trong việc cung cấp thịt heo VietGAP cho TP.HCM. Việc này được các sở, ngành hỗ trợ tích cực đến mức ban quản lý chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) dành cho Đồng Nai ba sạp để bán thịt heo VietGAP nhưng thực tế rất khó thực thi. Chẳng hạn vị trí sạp không thuận tiện cho buôn bán nên thương lái không chịu bán hàng. Hoặc chi phí đầu tư cho chăn nuôi theo chuẩn VietGAP cao, đầu ra cũng theo giá thị trường nên người chăn nuôi cũng ít mặn mà. Nếu đưa hàng vào siêu thị cũng khó chen chân vì đã có các doanh nghiệp đi trước. Do đó sự liên kết cung cấp thịt heo VietGAP chưa thành công.
Một cán bộ Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết nếu sản phẩm nông sản, thủy sản lưu thông ở chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, trường học… thì sẽ khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Còn nếu phát hiện ở chợ đầu mối có thể truy xuất đến thương nhân thu mua hàng nông sản, thủy sản của nông dân ở vùng nguyên liệu nhưng không thể truy xuất đến hộ nông dân.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền kiến nghị cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm như thế nào… mới được đưa vào chợ. Đã xây dựng chuỗi thì phải có sự kiểm soát thống nhất của các cơ quan chức năng.
Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết chủ trương của dự thảo không chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân TP.HCM mà hướng đến cả nước. Đồng thời hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững để cạnh tranh với thịt ngoại nhập. Do đó cần tuyên truyền, giáo dục để các trang trại chăn nuôi ở địa phương sản xuất theo hướng VietGAP.
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, các bước tiếp theo khi thực hiện chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn là sẽ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Chẳng hạn mặt hàng rau muốn vào TP phải được sơ chế tại đồng ruộng, phải được phân loại… Trên hàng hóa phải có chứng từ, giấy tờ đi kèm lô hàng đó. Hoặc trước một tuần thu hoạch, hộ nông dân phải thông báo với địa phương, lấy mẫu đi kiểm nghiệm, khi có giấy kiểm nghiệm xác nhận mới được thu hoạch.
Cần doanh nghiệp, hiệp hội các ngành nghề chung tay Dự thảo khung này là cần thiết vì Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới. Việc quản lý chất lượng đảm bảo được truy xuất nguồn gốc thực phẩm là vô cùng cấp bách. Muốn liên kết tốt cần có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội các ngành nghề… Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề vì đây là các đối tượng quản lý nguồn gốc rau, thịt tốt nhất. Muốn vào siêu thị, hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chí gắt gao… Nhà nước nên lấy chuẩn từ mô hình các siêu thị rồi áp vào các chợ đầu mối. Nếu không dự thảo ban hành cũng chỉ là sự ký kết giữa các sở, ngành mang tính hình thức. Ông TRẦN HỮU HIỆP,Vụ trưởng Hiện TP.HCM có 329 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 145 ha, sản lượng dự kiến hơn 15.600 tấn/năm. 56 cơ sở chăn nuôi đạt an toàn… (Số liệu từ Sở NN&PTNT TP.HCM) |