Thông tin với Pháp Luật TP.HCM về dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa 110 tuổi (tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt), ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay: Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Vì mức vốn đầu tư quá lớn nên phải xin ý kiến Quốc hội về vấn đề kỹ thuật. Đồng thời, các vấn đề liên quan cũng sẽ xin thêm ý kiến từ các bộ, ngành khác.
Tuyến đường sắt huyền thoại
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1908 đến 1932, có tổng chiều dài 84 km. Trong đó có 16 km răng cưa để tàu có thể vượt độ cao 1.500 m so với mực nước biển, có độ dốc thường xuyên 12%. Tuyến đường sắt này có năm hầm xuyên núi với tổng chiều dài cả 1.000 m và có nhiều cầu xe lửa.
Như vậy, ngoài tuyến đường sắt răng cưa Furka tại Thụy Sĩ thì đây là tuyến đường sắt leo núi thứ hai trên thế giới.
Tuyến đường sắt huyền thoại này gắn liền với sự kiện bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin dẫn đầu đoàn thám hiểm đi về vùng núi phía Tây của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Vị bác sĩ này sững sờ trước vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu độc đáo của Langbiang nên đã viết thư cho Toàn quyền Pháp Paul Doumer, người đang tìm một địa điểm thích hợp để xây dựng một khu nghỉ dưỡng kiểu châu Âu tại Đông Dương.
Để biến Đà Lạt thành khu nghỉ dưỡng đặc biệt, vị bác sĩ hiến kế mở đường giao thông từ đồng bằng lên cao nguyên. Theo đó, năm 1901, Paul Doumer ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Tuy nhiên, mãi đến 10 năm sau, Toàn quyền Albert Sarraut mới cho khởi động dự án.
Song song với việc xây dựng tuyến đường sắt răng cưa, người Pháp cũng đã cho xây dựng ga Đà Lạt. Nhà ga này được đánh giá là cổ kính và lâu đời nhất tại Việt Nam cũng như Đông Dương với tổng kinh phí hơn 200.000 franc (Pháp). Nhà ga được thiết kế theo phong cách kiến trúc khá giống nhà ga xe lửa ở miền Nam nước Pháp, pha trộn với mái nhà rông đặc trưng ở Tây Nguyên.
Tuyến đường sắt độc đáo là vậy, tuy nhiên sau năm 1976, ngành đường sắt đã tháo dỡ nhiều thanh ray và tà vẹt của đường để dùng cho việc sửa chữa tuyến đường sắt Bắc-Nam. Tiếp đó, các cây cầu cũng bị tháo dỡ để lấy sắt bán. Hiện tại điểm du lịch ga Đà Lạt vẫn còn những toa tàu huyền thoại đã hơn 100 tuổi này.
Đường sắt và toa tàu 110 tuổi tại điểm du lịch ga Đà Lạt. Ảnh: P.ĐIỀN
Dự kiến hoàn thành trong ba năm
Theo ông S, để lên kế hoạch cho dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nói trên, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc và đề nghị nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (có trụ sở tại TP.HCM) tiếp thu ý kiến góp ý của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban PPP - Bộ GTVT và các sở, ngành, địa phương thuộc hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sau đó báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định.
Ông S nhận định nếu dự án này được Quốc hội thông qua, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ khôi phục và dự kiến thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2019 đến năm 2022 sẽ đưa vào khai thác sử dụng.
Ông S thông tin thêm, dù địa hình khu vực này phần lớn là núi rừng, đèo dốc phức tạp, tuy nhiên nhà đầu tư và UBND tỉnh đã tham vấn và mời chuyên gia Pháp có kinh nghiệm, tổng hợp những dữ liệu và đưa ra tiên lượng những vấn đề về kỹ thuật của tuyến đường sắt răng cưa này. Đồng thời, nhà đầu tư đã có kinh nghiệm về tham gia quản lý, vận hành các công trình giao thông nên vấn đề băn khoăn trên cũng không quá lo lắng.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy du khách rất quan tâm đến tuyến đường sắt này nên việc khôi phục là rất cần thiết để phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Lãnh đạo này cho biết thêm: Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm bảo tồn kiến trúc, khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến, góp phần phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của hai địa phương.
Đường răng độ dốc 12% Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu franc (Pháp) với tổng chiều dài 84 km đi qua chín nhà ga, năm đường hầm xuyên núi, hai cầu lớn, hai đèo cao là Ngoạn Mục và Đran. Đáng chú ý, tuyến đường có ba đoạn phải chạy trên những đoạn đường sắt răng cưa với độ dốc 12%, gồm Sông Pha - Eo Gió độ cao 186-991 m, Đơn Dương - Trạm Hành cao 1.016-1.515 m, Đa Thọ - Trại Mát cao 1.402-1.550 m. Thời gian trung bình đi từ ga Tháp Chàm - Đà Lạt mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ. |