Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam (VN) - Trung Quốc (TQ) do Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ của VN, Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Đà Nẵng trong sáng 19-9.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển VN, cho hay: “Tàu cá TQ thường có công suất lớn, thường là trên 500 CV sẵn sàng chống trả lực lượng thực thi pháp luật của ta và tranh chấp, gây hấn với ngư dân ta khi đang khai thác trên biển. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển đã xử lý 9.087 lượt tàu cá TQ vi phạm, lập hồ sơ, chứng cứ để đấu tranh lâu dài”.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết thêm: “Ngư dân đang kiến nghị các lực lượng kiểm tra, kiểm soát của ta cần tăng cường hoạt động tại khu vực gần đường phân định, đặc biệt là những vùng nhạy cảm để làm chỗ dựa cho ngư dân sản xuất; can thiệp, giải quyết kịp thời những tranh chấp giữa ngư dân hai nước. Đồng thời có ý kiến với TQ về việc có nhiều tàu cá nước này công suất lớn, làm nghề lưới kéo đã không tuân thủ các quy định về khai thác trên biển, có hành vi cố tình làm hỏng lưới của ngư dân ta”.
Nhận định về tình hình sắp tới, Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ của VN cho rằng ngư trường của TQ đang bị thu hẹp, do đó tàu TQ không có giấy phép sẽ vi phạm sâu và vùng biển VN khai thác thủy sản trái phép. Bên cạnh đó, một số tàu cá TQ được cấp giấy phép đánh bắt nhưng lại hoạt động với mục đích thăm dò và gây rối, phá hoại hoạt động sản xuất của ngư dân VN vi phạm an ninh trật tự, chủ quyền vùng biển. Trong thời gian gần đây, tàu chấp pháp của TQ đã có những hành vi ngang ngược, thô bạo đối với hoạt động của ngư dân ta trên biển; lợi dụng tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại, tàu TQ sẽ lấn át ngư trường của ngư dân ta dẫn đến nguy cơ xung đột giữa tàu cá hai bên.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ VN - TQ chỉ còn năm năm nữa là hết hiệu lực, sẽ không còn vùng đánh bắt cá chung như hiện nay. Hoạt động khai thác của bà con ngư dân các tỉnh, thành ven biển vịnh Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là ngư dân một số tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình. “Vì vậy, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu đánh giá tác động để xác định những giải pháp phù hợp trong thời gian tới” - ông Tám yêu cầu.
LÊ PHI