15 lưu ý khi giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng (tiếp theo)

(PLO)-  PLO tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những vi phạm phổ biến khi tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng mà KSV cần lưu ý khi kiểm sát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

6. Việc xác định thời hiệu khởi kiện

Thực tiễn giải quyết tranh chấp HĐTD, việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án có còn hay không, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án đúng quy định.

Vấn đề này, KSV lưu ý tính đặc thù về thời hiệu giải quyết loại án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” mặc dù Điều 429 BLDS năm 2015 quy định chung về “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 155 BLDS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu đối với “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, nên Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo thủ tục chung.

7. Xác định việc phạt vi phạm không đúng

Thực tế, trong nhiều HĐTD có quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn.

Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn; khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại HĐTD đã công nhận điều khoản này là không đúng.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép phạt nhiều lần về cùng vi phạm trong HĐTD. Điều 12 Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.

Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn), lại còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng.

8. Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thỏa thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo HĐTD

Trong một số HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD.

Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi, có trường hợp Tòa án tuyên: “Áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” và không điều chỉnh lãi suất vay theo thỏa thuận của các bên trong HĐTD là không đúng, dẫn đến nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong HĐTD cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.

Trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của TCTD.

9. Về căn cứ xác định cách tính khoản tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm

Từ khi có Án lệ số 08/2016, nhiều Tòa án đã xác định các khoản tiền vay của các TCTD, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo HĐTD tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục khoản lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.

Tuy nhiên, đến khi ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì việc xác định mức lãi suất, thời điểm tính lãi suất và số tiền để tính lãi suất được hướng dẫn theo Nghị quyết này.

Vì vậy, khi kiểm sát việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án đối với loại án về tranh chấp HĐTD, KSV cần chú ý áp dụng cho chính xác và đầy đủ văn bản pháp luật hướng dẫn về cách tuyên án này.

10. Không xem xét việc thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp

Không ít trường hợp, Tòa án không xem xét thẩm định tại chỗ, vì cho rằng không có ai yêu cầu, hoặc trường hợp vụ án bị hủy để xét xử lại thì Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ. Vi phạm này, dẫn đến bản án, quyết định bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.

Vì vậy, trong quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp Tòa án không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ vì các lý do trên thì KSV cần yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định lại tài sản, vì qua thời gian, tài sản có thể có những biến động, như có sự thay đổi về tài sản trên đất, người quản lý tài sản ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm