Ngày 4-11, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết Sở đã có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh về việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 muốn đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận. “Vị trí đổ thải ít nhất phải cách vành đai bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước - PV) không dưới 5 km để giảm thiểu ảnh hưởng đến khu bảo tồn.
Ngoài ra, các giải pháp ứng phó với sự cố, rủi ro trong quá trình nạo vét, đổ chất thải hồ sơ dự án vẫn chưa đầy đủ và cần phải đưa Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau vào thành phần giám sát” - Sở NN&PTNT đề nghị.
Theo Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, toàn bộ chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu sẽ được chở đổ cách vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500 m.
Việc dự kiến đổ một lượng lớn chất thải gần Hòn Cau gây lo lắng vì sự ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển của Việt Nam. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN
Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thừa nhận việc nạo vét sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, gây hại cho động vật đáy và khu vực đánh bắt cá.
Đáng nói là theo hồ sơ xin cấp phép thì chủ dự án chưa có khảo sát, đánh giá hệ sinh thái tại nơi dự kiến đổ thải và khi đổ xuống, vùng biển, nhất là khu bảo tồn biển sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Dù vậy, hồ sơ dự án vẫn khẳng định vị trí đổ thải không có dòng hải lưu, không có hệ sinh thái nào cần bảo vệ. Trong khi đó, sơ đồ dòng hải lưu biển Việt Nam thể hiện rõ khu vực biển Tuy Phong có rất nhiều dòng hải lưu đan xen nhau nên nếu vùng biển Tuy Phong ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến vùng biển Cà Mau.
Ngoài ra, nơi dự kiến đổ chỉ cách vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500 m, nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của ba loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Nơi đây còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi…
Theo một cán bộ Sở NN&PTNT, việc đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải song hồ sơ dự án chỉ cho rằng nằm trong phạm vi 30 ha là vô lý. Đó là chưa nói đến tác động hiệu ứng tràn của biển.
Biển Tuy Phong (Bình Thuận) - Cà Ná (Ninh Thuận) là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ trên toàn thế giới và cùng với vùng biển Tây Ấn Độ là hai vùng nước trồi tốt nhất ở châu Á. Nhờ hiện tượng nước trồi mà khu vực biển này tạo nên môi trường sống thuận lợi, cơ sở thức ăn của hải sản phong phú; sản lượng hải sản tăng và có chất lượng tốt hơn các vùng khác.
Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Bình Thuận, cho rằng đổ thải ở vùng biển này cần phải hết sức cân nhắc, tính toán bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Giám sát môi trường điện Vĩnh Tân như Formosa Ngày 21-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt của Chính phủ về môi trường như dự án Formosa (Hà Tĩnh), bauxite (Đắk Nông). Tỉnh Bình Thuận còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 3 và các chủ dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân rà soát, đánh giá lại tác động môi trường của toàn bộ các dự án tại khu vực, đặc biệt là hai bãi thải xỉ của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Từ đó đưa ra các giải pháp để phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường... |