16 tháng đàm phán, Mỹ và Iran vẫn giằng dai thỏa thuận hạt nhân

(PLO)- Mỹ và Iran đã trải qua 16 tháng đàm phán gián tiếp nhưng viễn cảnh khôi phục thỏa thuận hạt nhân vẫn chưa rõ ràng khi phía Iran đưa ra một số điều kiện mà phía Mỹ khó đáp ứng.

Năm ngoái, các bên bắt đầu tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Mỹ và Đức) và Liên minh châu Âu (EU) năm 2015. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Mỹ và Iran đã trải qua 16 tháng đàm phán gián tiếp để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Sau 16 tháng điều phối các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington, ngày 8-8, ông Josep Borrell, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU, cho biết EU đã đưa ra bản đề nghị cuối cùng để khắc phục thế bế tắc và khôi phục thỏa thuận.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phát biểu trong lễ kỷ niệm 33 năm ngày mất

của nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, tại đền thờ Khomeini ở miền Nam Tehran (Iran) vào ngày 4-6. Ảnh: REUTERS

Điều kiện từ Iran

Ngày 31-8, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Tehran đang xem xét cẩn thận phản ứng của Washington đối với văn bản được EU chuyển tới Iran. Ông Amirabdollahian tuyên bố rằng Iran cần sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ Mỹ để có thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

“Iran đang xem xét cẩn thận văn bản do EU soạn thảo... Chúng tôi cần sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ bên kia để có một thỏa thuận bền vững” - ngoại trưởng Iran nói, tuy nhiên không nêu chi tiết về “những đảm bảo mạnh mẽ hơn”. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói ông không rõ “ông ấy nói về các đảm bảo gì”. Tuy nhiên, theo Reuters, trong nhiều tháng đàm phán ở Vienna, Iran đã yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng sẽ không có vị tổng thống Mỹ tương lai nào từ bỏ thỏa thuận như Tổng thống Trump đã làm vào năm 2018.

Nhiều tháng qua, nhân vật Iran có tiếng nói quyết định cuối cùng về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với phương Tây - Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei không có bình luận công khai nào về tiến trình đàm phán. Ông Khamenei ủng hộ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để đổi lấy việc Iran được dỡ bỏ trừng phạt từ Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ba năm sau đó, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt lên Iran. Tehran vi phạm các giới hạn hạt nhân có quy định trong thỏa thuận như tăng làm giàu uranium, tinh chế nó đến độ tinh khiết phân hạch cao hơn và lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến để tăng tốc sản lượng.

“Sẽ là một sự bối rối lớn đối với nhà lãnh tụ tối cao nếu Washington rút khỏi thỏa thuận một lần nữa. Đó là một trong những lý do đằng sau việc Tehran khăng khăng về vấn đề này” - Reuters dẫn lời một cựu quan chức Iran.

Một yêu cầu nữa của Iran là Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) phải từ bỏ các cuộc điều tra “có động cơ chính trị” về hoạt động hạt nhân của Iran. Một quan chức Iran đề nghị không nêu tên nói với Reuters rằng việc IAEA ngừng điều tra là “lằn ranh đỏ của nhà lãnh tụ tối cao” để Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 31-8, Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Israel phản đối việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Biden trấn an rằng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Israel, kẻ thù truyền kiếp trong khu vực của Iran.

Liệu thỏa thuận sẽ được khôi phục?

Giữa tháng 8, các nhà đàm phán Iran bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận. Một cố vấn của Iran nói rằng “chúng tôi đang tiến gần hơn so với trước đây” và “các vấn đề còn lại không quá khó giải quyết”. Phần Mỹ, theo ông Kirby, các quan chức nước này đánh giá rằng các bên đã gần gũi hơn so với những tháng trước, “phần lớn là do Iran sẵn sàng từ bỏ một số yêu cầu không liên quan đến thỏa thuận”.

Tuy nhiên, những yêu cầu vừa nêu của Tehran có nguy cơ làm ảnh hưởng đến nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, theo Reuters. Về yêu cầu không một tổng thống Mỹ tương lai nào rút khỏi thỏa thuận, Reuters cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thể đưa ra đảm bảo chắc chắn như vậy vì thỏa thuận là một văn bản thống nhất chính trị hơn là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, một vấn đề chính gây tranh cãi giữa Iran và phương Tây là cuộc điều tra đang diễn ra của IAEA về những dấu vết không giải thích được của uranium tại các cơ sở của Iran vào đầu những năm 2000. Tehran muốn cuộc điều tra kết thúc trước khi họ chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào; IAEA, Mỹ và các nước châu Âu cho đến nay vẫn từ chối.

Hiện phía Mỹ cho biết vẫn đang chờ phản hồi từ EU và Iran. Theo ông Kirby, “trong khi lạc quan một cách thận trọng, chúng tôi cũng thực dụng, sáng suốt và nhận ra rằng vẫn còn những khoảng cách và chúng tôi đang cố gắng thu hẹp khoảng cách một cách thiện chí, thương lượng thông qua các kênh phù hợp”.

Theo báo Jerusalem Post ngày 31-8, Iran cuối cùng sẽ ký thỏa thuận nhưng chuyện này sẽ không diễn ra lặng lẽ. Các tuyên bố cứng rắn gần đây của quan chức Iran là một phần trong chiến lược đàm phán của nước này. Iran sẽ tận dụng đến phút cuối cùng để có thêm một vài nhượng bộ từ phương Tây.

Còn nhớ lãnh tụ tối cao Iran Khamenei từng tỏ ra không hài lòng về thỏa thuận năm 2015 nhưng đến phút cuối đã bật đèn xanh. Nhiều tuần trước khi ký kết thỏa thuận, ông Khamenei đưa ra những đe dọa hạt nhân nghiêm trọng như sẽ huy động 180.000 máy ly tâm để làm giàu uranium, lớn hơn nhiều so với 20.000 máy ly tâm mà Iran có vào thời điểm đó.•

Cố vấn an ninh thời ông Trump lo ngại

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang mắc một “sai lầm nghiêm trọng” khi theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran, theo kênh CNBC.

Ông Bolton, người được biết lâu nay có quan điểm cứng rắn với Iran, cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến Iran xích lại gần Nga hơn và gây ra mối đe dọa cho không chỉ khu vực Trung Đông mà cả thế giới. Ông Bolton lưu ý rằng Nga và Trung Quốc hiện có thể xem đang có một liên minh không chính thức và mối quan hệ đối tác ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Iran sẽ có tác động đến toàn cầu.

Ông Bolton cũng cho rằng một thỏa thuận với Iran sẽ gây tổn hại cho các đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ông cảnh báo rằng “các đồng minh của Mỹ lo lắng nhất về Iran là các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Israel, tôi e là Mỹ sẽ bán đứng các quốc gia này bằng cách không tính đến các mục tiêu cuối cùng của thể chế Iran là giành quyền bá chủ trên khắp Trung Đông”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới