18 đối tượng cảnh vệ hiện nay gồm những ai?

(PLO)- Theo Luật Cảnh vệ 2017, nhóm đối tượng là con người gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quy định tại Luật Cảnh vệ 2017, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

18 đối tượng cảnh vệ

Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Trong đó, nhóm cán bộ lãnh đạo gồm có Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ (14 đối tượng).

Nhóm khách quốc tế bao gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; khách mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại (4 đối tượng).

Bổ sung 4 đối tượng, phát sinh chi phí, lực lượng nhưng … không nhiều

Theo Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay thì cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao và sĩ quan CAND, sĩ quan QĐND có cấp hàm Đại tướng. Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; mặt khác vì đặc thù công việc của những người này liên quan đến quyền sống, quyền tự do của con người; đến an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, do đó có tính rủi ro nguy hiểm cao cần được bảo vệ, đồng thời hiện nay do yêu cầu an ninh chính trị trong tình hình mới thì việc bảo vệ các đối tượng này là cần thiết.

Lý giải cho phương án trên, Bộ Công an cho biết, việc bổ sung 4 đối tượng cảnh vệ nêu trên giúp bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai một số nội dung để nhanh chóng thực hiện, góp phần giữ gìn vững chắc an ninh, trật tự, ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, tạo sự minh bạch, sự thống nhất trong cách hiểu, nhìn nhận của các cơ quan, tổ chức, người dân trong việc thực hiện chế độ dành cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, phương án bổ sung cũng khiến Nhà nước phát sinh chi phí để triển khai các biện pháp bảo vệ đối tượng cảnh vệ, ngoài ra cần bổ sung lực lượng, phương tiện (mặc dù không nhiều) để triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ mới được bổ sung.

Dù vậy, theo Bộ Công an, thực tế chỉ bổ sung lực lượng, phương tiện bảo vệ Viện trưởng VKSND Tối cao; bởi vì, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam hiện là Ủy viên Bộ Chính trị đã được triển khai các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm an ninh, an toàn.

Đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng

Khu vực trọng yếu là đối tượng cảnh vệ bao gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước; khu vực làm việc của Quốc hội; khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tàng Hồ Chí Minh; khu di tích Phủ Chủ tịch; quảng trường Ba Đình; đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kỳ họp của Quốc hội; phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ là cán bộ, lãnh đạo hoặc khách quốc tế (Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; cấp phó của người đứng đầu) tham dự hoặc chủ trì hội nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm