Trong tuần qua, những dòng thông tin về phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình thu hút sự chú ý của nhiều người.
Những câu nói bao biện
Vụ án này, hầu như toàn bộ các bị cáo đều là cựu cán bộ trong ngành công an hoặc giáo dục của tỉnh Hòa Bình, không ít người từng là lãnh đạo tại cơ quan mình công tác.
Phiên xử vẫn đang diễn ra. Đọng lại trong tôi về phiên xử này là hai câu nói thật sốc của hai bị cáo làm công tác quản lý trong ngành giáo dục đã nói ra tại phiên tòa.
Một là bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, nói: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Hai là bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, cho rằng: “Việc nhờ vả rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”.
Là một giáo viên đang đứng trên bục giảng, tôi thấy các bị cáo đã thể hiện một tư duy vô trách nhiệm đối với bản thân và xã hội.
Câu nói “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là câu nói của một nhà văn nước ngoài. Câu nói này đặt vào bối cảnh bao biện cho việc làm sai trái của bị cáo đã thể hiện sự nhận thức rất kém của một người làm giáo dục.
Trong ngành giáo dục, người làm giáo dục phải đảm bảo sự chính trực, công bằng để học sinh nhìn vào giáo viên mà học theo. Giáo viên chúng ta không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. Nếu như giáo viên tiếp tay cho cái xấu, thỏa hiệp trước cái xấu, sẵn sàng gù lưng thì người học sẽ mất dần niềm tin vào người thầy của mình. Tôi muốn nói đến chữ gù lưng trong ngoặc kép.
Những giáo viên “gù lưng” đang thể hiện sự biến chất. Sự biến chất của họ sẽ vô tình tạo ra những thế hệ “gù lưng” tiếp theo và những con người bất mãn trong xã hội, những sản phẩm méo mó.
Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ảnh hưởng cả thế hệ
Chúng ta cần phải thấy việc nâng điểm thi là ảnh hưởng đến cả một hoặc nhiều thế hệ sau này. Những người thực tài thì không được điểm cao, không được vào những ngành nghề tốt, không được tạo thành nguồn nhân lực có chất lượng trong xã hội.
Ngược lại, những người học kém chỉ vì cha, mẹ có tiền, có quyền được nâng điểm lại vào được những ngành như giáo viên, bác sĩ, công an thì sẽ tạo ra những hậu quả xã hội khôn lường.
Với những hệ lụy từ cái nhìn lệch lạc của việc nâng điểm cho thấy khi ta thỏa hiệp với cái xấu thì sẽ tạo ra sự bất công cho những nỗ lực đàng hoàng.
Chính những cách làm sai lệch này sẽ tàn phá nhiều ngành nghề trong xã hội bởi mọi ngành nghề chỉ vận hành tốt khi có những con người có năng lực, đúng sở trường, đúng sở thích của họ.
Vì thế, việc nâng điểm có thể làm suy sụp toàn xã hội chứ không chỉ đơn giản như nhận thức: “Việc nhờ vả rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”.
Giả sử những em được nâng điểm học ngành y thì cá nhân chúng ta bị bệnh liệu có dám cho những bác sĩ có tay nghề non yếu điều trị hay không? Không khéo việc đào tạo ra những người cứu người lại thành giết người.
Hơn thế nữa, từ hệ lụy này sẽ tạo ra những thầy cô không có năng lực nhưng lại “gù lưng” và sẵn sàng luồn cúi để được dạy và tạo ra một chất lượng giáo dục rất kém.
Một hậu quả khác ghê gớm hơn nhiều là những việc làm sai trái của các vị này dễ làm mất niềm tin trong dân đối với ngành giáo dục.
Để tránh những trường hợp tương tự, các ngành chức năng phải làm nghiêm, phải rà soát lại công tác tuyển sinh ở các tỉnh, thành. Nếu có tiêu cực thì phải xử lý triệt để, giúp các em có thành tích tốt xứng đáng được học và làm việc ở môi trường xứng đáng.
TS PHẠM THỊ THÚY
Ai cũng như họ thì xã hội sẽ ra sao? Phiên xử vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình vẫn đang tiếp tục diễn ra. Các bài báo tường thuật về phiên xử vừa qua được nhiều bạn đọc quan tâm bình luận. - Đã làm ngành giáo dục thì phải nêu gương để thế hệ sau sống tử tế. Nếu tự thấy mình bị ép, sợ mất việc mà làm chuyện trái với đạo đức như vậy thì không thể chấp nhận được. Thử nghĩ một bác sĩ ra trường nhờ chạy điểm mà vẫn cầm dao mổ thì có chết người ta không - bạn đọc Minh Hòa. - Nghề giáo viên là một nghề quan trọng vì sẽ đào tạo ra những con người có đức và tài để phát triển đất nước. Thế nhưng đào tạo theo kiểu này thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu - bạn đọc Trần Anh. - Ai cũng như họ thì xã hội sẽ ra sao? - bạn đọc Tùng. - Một kỳ thi, riêng cá nhân ông Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) mà có 58 thí sinh được nâng điểm. Thế mà ông ngây thơ trả lời: “Không nghĩ sự việc lại nghiêm trọng đến mức độ thế này”!? - bạn đọc Dương Văn Tuấn. |