Gần trưa, các bệnh nhân ở Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã nghỉ buổi tập vật lý trị liệu. Cậu bé Kim Duy vẫn bặm môi đẩy lưng anh trai Kim Giang tập luyện. Kim Ánh đỡ phía trước. Mồ hôi của ba anh em tuôn ướt áo.
Kim Giang là chàng trai Khmer 19 tuổi, gương mặt rất sáng sủa nhưng vóc người gầy nhom, bị tai nạn hơn hai năm trước khiến anh bị liệt toàn thân. Qua cơn nguy kịch, Giang được đưa vào BV này điều trị tiếp. Từ đó đến nay, hai em của Giang rời quê nhà ở xã Tập Ngải, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh để “thường trú” hẳn trong BV.
Đôi vai 12 tuổi gánh cả gia đình
Giang chưa bao giờ ngừng hy vọng mình sẽ hồi phục trở lại, dù hai năm qua anh vẫn chưa tự làm được điều gì, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào hai em. Nhưng sự nỗ lực của Giang đã có kết quả bước đầu: Tay đã tự vịn giường nâng cơ thể lên, thỉnh thoảng Giang cố hết sức ngồi dậy được.
Chuyện đời của anh em Giang khá buồn. Cha Giang bị liệt hai chân, bà nội thì già yếu. Cha Giang làm nghề chèo ghe chở dừa, chở củi mướn nhưng vì chân ông bị liệt nên không thể bốc vác được, tiền công rẻ hơn so với người khác. Những ngày có nhiều người gọi làm, có thể kiếm được trên 300.000 đồng nhưng cũng có ngày chẳng ai thuê mướn.
Giang kể mẹ mình khá xinh đẹp và hiền hậu nhưng do không chịu nổi cảnh nghèo túng, bà đã bỏ đi nơi khác tìm cơ hội mưu sinh rồi phải lòng người khác nên đi biền biệt. Giang nói: “Đừng ai trách mẹ em mà tội nghiệp! Em đây là con trai, có sức khỏe, vậy mà gánh vác còn không nổi, nói chi mẹ em là phụ nữ chân yếu tay mềm. Do khổ quá thôi! Em chỉ thương chứ không giận gì hết”.
Hai đứa em Giang luôn động viên và hỗ trợ anh trai siêng năng tập luyện để mau hồi phục. Ảnh: HỒNG MINH
Bởi vậy, 12 tuổi Giang đã làm trụ cột trong nhà, theo chú đi ghe chở hàng, mấy tháng mới lên bờ một lần. Tiền kiếm được Giang đưa hết cho cha lo cơm nước và cho hai em đi học. 14 tuổi, Giang lên Bình Dương xin vào làm cho một công ty vệ sinh môi trường tư nhân, cũng là người quen của gia đình. Mỗi ngày Giang theo xe rác làm nhiệm vụ gom rác, đổ rác. Lương của Giang ban đầu được 2 triệu đồng, tăng dần lên 4,5 triệu đồng, số tiền này được gửi hết về quê cho cha và các em. Giang kể: “Em hay được người dân cho thêm tiền khi mình dọn rác sạch sẽ cho họ. Ông chủ thì bao ăn ở. Em không xài đến tiền lương. Em nghĩ ráng mấy năm nữa là em trai, em gái lớn lên mình sẽ đỡ cực”.
Ở tuổi 17, Giang suy nghĩ như người lớn, sắp xếp chuyện nhà đâu ra đó. Vậy mà trong một phút bất cẩn, tai họa ập xuống. Giang bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, hôn mê mấy ngày. Tỉnh dậy, Giang cố ngồi dậy nhưng cơ thể anh không thể nhúc nhích được nữa.
Đùm túm nhau trong bệnh viện
Cha Giang lấy hết tiền dành dụm bao năm Giang gửi về đem vào BV lo cho con. Hai em của Giang cũng nghỉ học để vào BV chăm anh. Nhà có người trọng bệnh, tiền bạc chỉ vài ngày là đội nón ra đi hết, dù rằng anh có BHYT hộ nghèo. Kim Ánh quyết định nghỉ học để đi học uốn tóc, mong mau ra nghề kiếm tiền phụ anh Hai. Nhưng rồi anh Hai của cô cứ nằm hết tháng này qua tháng khác trong BV mà không có biến chuyển gì, cô bé quyết định vào BV chăm lo cho anh.
Giang lại sắp xếp việc nhà như sau: Cha về quê kiếm việc làm túc tắc nuôi thân và lo cơm cho bà nội già yếu. Nhà quá túng quẫn, Giang bảo hai em cùng lên BV ở với mình.
Giang nằm BV, hai em nằm dưới đất không tốn tiền thuê nhà trọ. Chi phí ở BV phục hồi chức năng khá dễ chịu, phần lớn thuốc men đã có BHYT lo, chỉ phải chi một số dịch vụ không quá đắt tiền. Cơm ăn hằng ngày thì ba anh em xin cơm từ thiện, uống nước ở BV. Chỉ khi nào các cơ sở từ thiện ngưng nấu cơm thì anh em Giang mới mua cơm giá rẻ ngoài cổng BV. Giang nói: “Tính ra thì ba anh em ở trong BV cũng được chứ ở nhà với cha thì cha làm sao nuôi nổi”.
Có một cô gái trong một nhóm công tác xã hội vì thương mến Giang nên hay lui tới thăm. Ban đầu Giang vui vẻ chuyện trò vì như Giang nói: “Em lạc quan và ham bạn bè lắm”. Nhưng khi biết cô thương mình, Giang khó chịu ra mặt, cau có nói cô khỏi đến thăm nữa.
Khi đến thăm, tôi nhẹ nhàng hỏi Giang sao lại có thái độ kỳ vậy, Giang mở lòng: “Tại cổ (cô ấy) dễ thương quá, em sợ yêu cổ rồi làm cho cổ khổ. Mình thì còn nằm một chỗ như vầy, lo sao được cho người ta. Em là đàn ông mà, làm khổ người ta sao được!”.
Qua bao vất vả, đắng cay, anh em Giang vẫn luôn giữ tâm tính hiền lành, thiệt thà. Mỗi khi Kim Duy - em út 14 tuổi của Giang bặm môi đẩy lưng cho anh tập, Giang lại động viên em: “Ráng đi, mai này anh khỏe anh đi làm lại, anh lo cho út”.
Ai cũng thương ba anh em Ba anh em Giang dễ thương lắm, hiền lành, thiệt thà, thương yêu nhau. Đã hai năm rồi tụi nó đùm túm nhau trong này, ai cũng thương quá là thương. Chỉ mong sao thằng Giang mau khỏe lại, còn có tương lai. Ở đây miết người khá còn nghèo đi, nói chi nghèo rớt như anh em nó. Chị NHUNG, bệnh nhân ở BV Phục hồi chức năng |