Sau chín ngày xét xử, ngày 21-11, VKS đã công bố bản luận tội đối với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ. Theo đó có 89/92 bị cáo hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội, 3/92 bị cáo chưa thừa nhận hành vi phạm tội hoặc có vướng mắc. Cụ thể, bị cáo Lê Thị Lan Thanh nói chỉ phạm tội mua bán trái phép hóa đơn, không nhận phạm tội tổ chức đánh bạc. Bị cáo Phan Văn Vĩnh không thừa nhận phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà nói chỉ có lỗi gián tiếp, tức là thiếu trách nhiệm. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác.
“Ông trùm” Phan Sào Nam bị đề nghị 6-7 năm tù
Theo VKS, cựu giám đốc VTC Online Phan Sào Nam thừa nhận là người khởi xướng, giữ vai trò chỉ huy đối với nhóm đối tượng thuộc Công ty VTC Online và Công ty Nam Việt trong việc vận hành game bài. Thông qua hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép, Nam đã thu lời bất chính gần 1.500 tỉ đồng. Sau đó Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian cho người thân và bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, góp vốn các dự án. Phan Sào Nam bị quy kết đã rửa tiền với tổng số hơn 320 tỉ đồng.
Với khoản tiền 3,5 triệu USD Nam khai gửi ngân hàng Singapore, VKS cho rằng có dấu hiệu rửa tiền. Do bị cáo tự thú nên VKS đề nghị HĐXX quy kết trách nhiệm luôn tại phiên tòa này. Số tiền nói trên khi xác minh xong sẽ tịch thu sung công quỹ, không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự.
Cơ quan tố tụng đang giữ của Nam 1.080 tỉ đồng, phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên hai ngôi nhà, phong tỏa 13 hợp đồng mua bán căn hộ và bốn ô tô. Tổng cộng, Phan Sào Nam đã bị thu giữ hơn 1.300 tỉ đồng, đạt hơn 90,7%. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Đầu thú, tích cực khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác. Đối với tội rửa tiền, Nam còn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự thú”.
“Phan Sào Nam có đủ điều kiện được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt” - đại diện VKS nói và vị này đề nghị phạt Nam 3-4 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, ba năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 6-7 năm tù.
Ông Phan Văn Vĩnh lau mắt (ảnh phải) tại phiên tòa và ông Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: TP
Có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng mình không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà chỉ thiếu trách nhiệm, để cấp dưới là Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, VKS cho rằng ông Vĩnh giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy đối với ông Hóa trong việc tạo điều kiện, nâng đỡ, bao che cho Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc. Hành vi của ông Vĩnh và ông Hóa còn thể hiện rất rõ dấu hiệu cố ý không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Mặc dù lãnh đạo Bộ yêu cầu báo cáo, dừng game bài nhưng vẫn tìm mọi cách báo cáo lên cấp cao hơn nhằm tạo điều kiện cho game bài hoạt động trái phép; hợp thức hóa, xóa dấu tích khi bị yêu cầu giải trình…
Hành vi của ông Vĩnh đã đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm khác tổ chức đánh bạc trái phép. Ông Vĩnh là người có chức vụ, quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được Nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp… đối với game bài. Nhưng ông Vĩnh không làm mà để game bài tồn tại, phát triển, gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Đại diện VKS đề nghị không cho ông Vĩnh được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” mà chỉ “có phần ăn năn hối cải”. Ngoài ra, ông Vĩnh có nhiều thành tích trong công tác, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân chương, bằng khen; là thương binh hạng 2/4… VKS đề nghị HĐXX tuyên ông Vĩnh phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạt từ bảy năm đến bảy năm sáu tháng tù.
Trong khi đó, với tội danh tương tự, ông Hóa bị đề nghị mức án từ bảy năm sáu tháng đến tám năm tù. VKS cho rằng ông Hóa là người thực hành, truyền đạt ý kiến của ông Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý đối với game bài cho Dương và các đồng phạm vận hành. Nhưng ông Hóa không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà đổ tội cho người khác.
Theo VKS, về bản chất hành vi của ông Vĩnh và ông Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ, trong đó ông Vĩnh là người chỉ huy còn ông Hóa là người thực hành tích cực. Quá trình điều tra chưa có đủ căn cứ xác định hai ông hưởng lợi cá nhân. Vì vậy việc xem xét, xử lý hai bị cáo chỉ dừng ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Trùm” Nguyễn Văn Dương: Sẽ không kháng cáo Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị VKS đề nghị mức án 8-9 năm tù tội tổ chức đánh bạc và 3-4 năm tù tội rửa tiền (tổng hợp hình phạt 11-13 năm tù). Theo VKS, Dương là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng tổ chức đánh bạc và trực tiếp chỉ huy nhóm đối tượng làm việc tại Công ty CNC và một số công ty khác. Thực hiện quyền tranh luận, bị cáo Dương cho biết sẽ nhận trách nhiệm và xin chịu hình phạt theo đề nghị của đại diện VKS tỉnh dù theo bị cáo thì mức án có phần nghiêm khắc. Dương mong được hưởng mức án phù hợp, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Những điều hiếm thấy trong vụ án Nhận định chung, kiểm sát viên cho rằng vụ án được đưa ra xét xử gồm sáu loại tội, trong đó có ba loại tội rất nghiêm trọng và ba loại tội nghiêm trọng nhưng “hậu quả gây ra cho xã hội lại ở mức đặc biệt nghiêm trọng”. Cụ thể: Thứ nhất, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng công nghệ cao để đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia trực tuyến và gần 6.000 tài khoản đại lý. Tổng số thu lời bất chính là hơn 9.800 tỉ đồng. Thứ hai, quy mô xảy ra tội phạm không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Kết thúc giai đoạn 1, đã khởi tố 105 bị can cư trú ở 24 tỉnh, thành trong cả nước từ Bắc đến Nam. Thứ ba, số lượng người tham gia đủ yếu tố cấu thành tội phạm đánh bạc lên tới hàng chục ngàn người. Thứ tư, đối tượng, thành phần phạm tội đa dạng, cả nam, nữ, từ người không nghề nghiệp đến viên chức nhà nước; từ đối tượng có tiền án, tiền sự đến người có chức vụ và quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng, chống tội phạm lại trợ giúp cho đối tượng phạm tội… Thứ năm, cán bộ, điều tra viên tham gia điều tra vụ án lên tới trên 100 người, chưa kể cán bộ kỹ thuật, hậu cần, trinh sát, giám định… ở các đơn vị phối hợp, kéo dài 12 tháng nhưng vẫn điều tra, xử lý được toàn diện, triệt để vụ án. |